Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Để xóa nghèo bền vững

Cập nhật: 08:16 ngày 23/09/2014
(BGĐT) - Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn phát triển KT-XH, nâng cao cuộc sống. Tính riêng Chương trình 135, hơn 3 năm qua đã hỗ trợ đồng bào huyện vùng cao Sơn Động hơn 83 tỷ đồng phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, nhân dân... 

{keywords}
Nhiều hộ dân tộc thiểu số tại thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) trồng chè bát tiên có thu nhập cao.  Ảnh: Việt Hưng

Ngoài ra còn nhiều chính sách ưu đãi về khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, cho vay vốn, trang bị nông cụ, vật tư phục vụ sản xuất...  

Nhìn chung, các chương trình, dự án đầu tư vào vùng dân tộc đã và đang phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ trương, chính sách có mức đầu tư, hỗ trợ thấp, manh mún, thậm chí trùng chéo nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đó là chưa kể nhiều chính sách được thực hiện phân tán, lồng ghép nên cán bộ có trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh cũng không biết hiện có bao nhiêu chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đáng chú ý một số chính sách đang bộc lộ bất cập như hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào thường chậm muộn, ảnh hưởng đến thời vụ hoặc không phù hợp với tập quán sản xuất của người dân ở miền núi, vùng cao. Đặc biệt việc hỗ trợ tiền mặt, kể cả vốn vay ưu đãi với định mức thấp không đủ để đầu tư phát triển sản xuất. Vì thế không ít trường hợp đã sử dụng vốn hỗ trợ sản xuất vào việc tiêu dùng sinh hoạt, để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. 

Mặt khác khi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khiến một bộ phận đồng bào có tâm lý trông chờ, ỷ lại, không nỗ lực quyết tâm xóa nghèo. Mặc dù được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án nhưng tỷ lệ giảm nghèo hằng năm trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Sơn Động rất thấp, hiện có hơn 50% số hộ dân tộc nghèo và cận nghèo.

Thực trạng trên đòi hỏi sự cần thiết rà soát lại các chủ trương, chính sách của trung ương, địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở đó xem xét nếu thấy chính sách nào không còn phù hợp thì kiến nghị loại bỏ, quan trọng hơn là đề xuất được những chính sách đòn bẩy trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho miền núi, vùng cao. 

Muốn xóa nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cái gốc của vấn đề là phải nâng cao dân trí. Chừng nào đồng bào còn tập quán sản xuất lạc hậu, thiếu tư duy phát triển sản xuất hàng hóa thì dù có nhiều chính sách ưu đãi đến mấy cũng khó mà thoát nghèo. 

Thực tế cho thấy đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới ở miền núi, vùng cao thường có cuộc sống khá giả hơn các các hộ dân bản địa. Lý giải điều này một số cán bộ ở huyện Sơn Động cho rằng đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới có trình độ dân trí cao, có quyết tâm xóa nghèo, quan tâm việc học tập của con em hơn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Như vậy để thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững, việc đầu tiên và có ý nghĩa quyết định là nâng cao dân trí. Theo đó cần có các chính sách trọng tâm để phát triển giáo dục- đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng cao thay vì những chính sách dàn trải, manh mún như hiện nay.

Hải Ngân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...