Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công dân và ý thức công dân

Cập nhật: 07:52 ngày 30/10/2014
(BGĐT) - Một nhóm những người làm từ thiện tổ chức phẫu thuật nụ cười cho trẻ. Sự bảo trợ giúp đỡ mang đạo lý “thương người như thể thương thân”thật đáng quý trọng. Rủi thay, không hiểu vì khả năng nghiệp vụ hay biến cố khôn lường đã gây sự cố làm mấy cháu bé tử vong. Dư luận xôn xao chuyện từ thiện mang lại nụ cười chả thấy đâu mà ngập tràn nước mắt.

Thật khó nói về trách nhiệm xã hội hay ý thức công dân của tập thể những người hảo tâm. Họ không mảy may vụ lợi, chỉ có tình yêu con trẻ là động cơ thôi thúc hành động. Dẫu sao đó cũng là bài học trong đường đời đáng suy nghĩ.

Trên diễn đàn kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII đang bàn về hai dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Cả hai đều nhằm quy định sự tồn tại của con người, cả khi mới chào đời. Có thể chỉ để tồn tại một loại giấy tờ không trong khi ta đang tập trung cải cách thủ tục hành chính đến cao độ? Thế nhưng hiện nay, trên thế giới, ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng, có tấm giấy khai sinh chứng minh sự hiện diện trên cõi đời. Vinh hạnh ấy không chỉ thiêng liêng đối với mỗi cá nhân, gia đình mà cả xã hội vì con người là thực thể cao quý, là tổng hòa mọi mối quan hệ xã hội. Khi lớn, có tấm căn cước xác nhận là công dân của một đất nước, sống và hành động theo khuôn phép của dân tộc mình.

Vậy là mỗi con người trong xã hội luôn có trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Ý thức của mỗi người sẽ quyết định các mối quan hệ xã hội, vì thế sự gắn kết luôn bắt đầu từ hành động và tình cảm. Mục tiêu xây dựng một xã hội ở đó dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh bắt đầu từ con người với ý thức công dân đầy đủ. Một động thái nhỏ vì cộng đồng, sự sẻ chia, tôn trọng luật pháp và thực thi pháp luật, thể hiện sự trong sáng tình nhân ái… đều là những biểu hiện cụ thể chứng minh sự tồn tại của con người xã hội. 

Không chỉ là tuổi trẻ mà mọi người trong xã hội biết rằng, dấn thân và đôi khi thất bại còn hơn “ngồi yên hưởng thái bình”- đó là điều nên nhớ trước khi hành động. Mọi vấn đề xã hội như chen chúc lấn sân, tranh giành quyền lực, tham nhũng, móc ngoặc cho đến vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm an toàn giao thông… đều là những thói xấu do thiếu ý thức rèn luyện mà nên. Trong mỗi con người nhận thức và hành động có sự liên kết, ràng buộc hữu cơ, nếu thiếu tự giác thì ắt phải áp dụng giải pháp cưỡng chế cho phép tắc xã hội được giữ nghiêm mà ý thức công dân sẽ được phát huy đầy đủ. 
Lan Hương
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...