Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Của ăn, của để

Cập nhật: 11:00 ngày 18/11/2014
(BGĐT) - Mong muốn của ông cha ta thật đơn giản, ai cũng ước sao cho cuộc sống gia đình có của ăn của để là an tâm. Bây giờ thì khác nhiều. Người ta có thể vay mượn để đầu tư, để ăn trước, trả sau.

Phải tính toán hiệu quả cho đến hạn định nào đó, tiền của chứ có phải vỏ hến đâu, vả lại người ta cho vay là “trông giỏ bỏ thóc” rồi. Kinh tế mở cửa những mình vẫn phải giữ thế chủ động mới vững chắc.

Đâu như nước mà người đời quen miệng bảo “nhiều như nước” với ¾ trái đất, giờ cũng khuyến cáo phải biết tiết kiệm. Có ít khoáng sản như Bắc Giang càng cần tiết kiệm, dành dụm cho con cháu nhờ, mai mốt chúng khôn lớn còn có cái để tri ân ông bà, bố mẹ chứ nếu chỉ có chút than, ít đất với vài ba rừng cây tưởng giàu có, ai nấy khai thác sử dụng phứa phựa mấy mà hết.

Ở Thái Lan, tất cả tiền rừng bạc bể là của triều đình và do nhà vua định đoạt. Chính phủ muốn tồn tại thì dùng thuế để tự nuôi mình. Vậy nên tài nguyên, khoáng sản được người Thái gìn giữ cẩn thận chắt chiu theo đúng phép vua. Người Bắc Giang tự hào về dãy núi Nham Biền 99 ngọn với huyền thoại Phượng hoàng tung cánh ngạo nghễ. Vậy mà giờ đây nhìn lại thấy núi không còn dãy, người ta đồn thổi phượng hoàng cánh cụp cánh xòe, không còn cả mắt cả chân thì cất cánh làm sao. Dưới đó là long mạch, đâu nghe cũng chuyển dòng, không còn hướng cũ. Lý sự “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, hỏi còn gì nữa mà cho con cháu sau này đào. Với lại, trên thế giới đã chứng minh các nước phát triển hiện nay chẳng có nước nào giàu về khoáng sản. 

Nghe rùng hết cả mình, ít đất đá mang đi san lấp mặt bằng làm khu công nghiệp hay đường giao thông. Mỏ than  khai thác nuôi nhà máy nhiệt điện. Cây cối chế thành gỗ, lấy sản phẩm dùng trong nước hay mang đi xuất khẩu. Toàn những việc hữu ích, phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh cả thôi. Thế nhưng, khai thác sử dụng khoáng sản như thế nào vẫn là vấn đề đặc biệt quan tâm. Khoáng sản dưới lòng đất là nước trong nguồn, không khí trong bầu khí quyển cũng là thứ hữu hạn. “Miệng ăn núi lở”, chuyện miếng cơm manh áo hàng ngày các cụ dạy tưởng nhỏ hóa ra thành lớn. Có những nước giàu, người ta mang tiền đi mua khoáng sản về đổ xuống hầm mỏ làm vốn dự trữ cho con cháu. Nghe đã thấy sự sẻ chia, thương cảm biết chăm lo cho đời sau. Ngỡ đó cũng là bài học, thiết thực,  sâu sắc cho cách quản lý tài nguyên và chăm lo chính sách xã hội từ hôm nay cho mai sau.

Lan Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...