Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dấu ấn cuộc đời

Cập nhật: 08:13 ngày 20/11/2014
(BGĐT) - Thời nay, chuyện học hành được nhắc đến không chỉ cho tuổi trẻ, việc học tập, rèn luyện bổ sung kiến thức suốt đời đã khiến cho chuyện đèn sách luôn thôi thúc mỗi người. Dẫu sao tuổi học trò và dấu ấn về người thầy bậc phổ thông thường in đậm hơn cả.

Người thầy có may mắn được học trò nhớ từng nét chữ, cách trình bày bảng đến nụ cười thân thiện, trìu mến đã là hạnh phúc. 

Có thầy, cô giáo còn được học sinh nhiều thế hệ bắt chước chữ viết y hệt suốt cả cuộc đời. Hạnh phúc đó giản dị mà thiêng liêng lắm, ít thầy cô nói ra. 

 Cách thể hiện tình cảm của học trò với thầy giáo và nhà trường cũng rất khác nhau. Nhớ ơn và tri ân người dạy dỗ, truyền đạt kiến thức làm hành trang cho cả cuộc đời là việc làm được mách bảo từ lương tri nên cần trân trọng. Ngày xưa, các cụ dặn:”nhất tự vi sư, bán tự vi sư”(một chữ là thầy, nửa chữ là thầy) và cách tri ân theo thứ tự “quân, sư, phụ”, người thầy được trân trọng xếp sau vua mà trước cha. Quan niệm đó giờ đây đã lạc hậu chưa? Nhận thức và quan niệm thì không rõ nhưng người lớn trước hết cần tôn trọng việc thể hiện tình cảm của những học trò với người dạy chúng. Thật khó chịu và phiền lòng khi người lớn can thiệp quá sâu vào mối quan hệ đó.

Có nhiều văn bản hành chính xuất hiện thời gian gần đây. Người ta khuyến cáo đóng cả cửa trường, thậm chí còn yêu cầu đóng cả cửa nhà thầy cô để ngăn chặn tệ quà cáp làm vấy bẩn tình thầy- trò. Nhiều nhà giáo thấy như bị xúc phạm. Chả nhẽ cả năm, cả tháng thậm chí cả đời thầy chỉ trông vào những bó hoa với những món quà thơm thảo của học sinh?

Một nhà hiền triết cho rằng, người thầy thuốc tồi có thể gây chết người bệnh, người phụ nữ hư hỏng sẽ phá nát một gia đình nhưng người thầy thiếu kiến thức và đức độ có thể làm hỏng một thế hệ. Khả năng tác động và ảnh hưởng của người thầy giáo đối với mỗi học trò và cả thế hệ chính là dấu ấn đáng trân trọng đó. Xã hội luôn tôn vinh người thầy giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý chính là ý nghĩa đó. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”không chỉ bằng sự nỗ lực của chính mỗi giáo viên hay từng nhà trường mà là sự quan tâm thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Sự đồng bộ từ nhận thức đến hành động sẽ góp phần đưa nhanh nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo trong thời gian tới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên tạo dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh người thầy giáo trong xã hội.

Lan Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...