Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khích lệ tinh thần doanh nhân trong nông dân

Cập nhật: 13:58 ngày 25/11/2014
(BGĐT) - Tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2013, toàn tỉnh Bắc Giang có 116 nghìn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Không chỉ làm lợi cho mình và gia đình, đội ngũ này đã giúp hàng vạn người có việc làm và thu nhập, thoát khỏi đói nghèo, đưa nông nghiệp của tỉnh lên hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc. 

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng là những người đi đầu trong tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức làm ăn, nhạy bén bắt nhịp cơ chế thị trường, tích cực (trực tiếp hoặc gián tiếp) hội nhập kinh tế thế giới. 

Sản vật của nhiều vùng miền đất nước đều đã được nông dân đưa về Bắc Giang canh tác, lai ghép thành công cho chất lượng không thua kém sản phẩm đầu dòng, mở ra triển vọng đa dạng hoá nông sản, xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung lớn. Ngẫm lại mới thấy, từ trước đến nay, những thứ chúng ta đem “khoe” với bạn bè trong nước, quốc tế ở các hội chợ, triển lãm đều là hàng nông sản. Lẳng lặng làm, thành công thì khiêm nhường, thường tìm cách chối từ trước truyền thông; thất bại thì tự tìm cách xoay sở mà không kêu ca, phàn nàn. Đúc kết của ngành ngân hàng cho thấy nợ xấu trong nông dân rất ít. Cần cù chịu khó, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, đó là những phẩm chất đáng trân trọng của người nông dân. 

Nói về nông dân Bắc Giang, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cương, thành viên Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội cho rằng, nông dân Bắc Giang có nhiều người giỏi. Để khai thác, phát huy “nguồn tài nguyên” này, điều quan trọng mà những nhà quản lý cần làm là tạo ra được cơ chế để khích lệ “tinh thần doanh nhân của nông dân”. Nhiều năm qua chúng ta đặc biệt coi trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Điều đó đúng và rất cần thiết song cho đến nay, việc tìm kiếm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất khó khăn, ít có doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. 

Có lẽ cùng với các biện pháp thu hút đầu tư từ bên ngoài, cần phát triển doanh nghiệp từ chính đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi bằng các chính sách hỗ trợ  khoa học - công nghệ, pháp lý; tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn nữa về vốn, đất đai; cung cấp các chương trình quản trị sản xuất, kinh doanh, quản trị rủi ro, thực hiện rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp; phân tích, dự báo thị trường; tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại về nông nghiệp. Đồng thời khuyến khích thành lập các hội, hiệp hội nghề nghiệp để gắn kết, bảo vệ lợi ích, chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...