Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Tay phải chặt tay trái”

Cập nhật: 09:17 ngày 16/12/2014
(BGĐT) - Đang mùa kiều hối với chộn rộn niềm vui của những gia đình có con em lao động ở nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Nhưng niềm vui này liệu có dài lâu với những lao động bỏ trốn, không chịu về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Điều đó không chỉ mang đến rủi ro cho chính họ mà còn là nguy cơ mất một thị trường xuất khẩu lao động đầy tiềm năng là Hàn Quốc. Tình trạng này có thể ví như là “tay phải chặt tay trái” vậy.

 Bắc Giang có số lao động tại Hàn Quốc gần 1,6 nghìn người. Tuy chiếm chưa bằng 10% số lao động xuất khẩu toàn tỉnh nhưng số kiều hối gửi về rất lớn bởi vì so với các thị trường khác thì lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc có mức thu nhập bình quân cao nhất, khoảng 20 triệu đồng/ tháng.  

Nhiều gia đình đổi đời, xây được nhà cửa khang trang, có vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhờ có con em lao động ở Hàn Quốc. Do vậy, mặc dù chi phí đi lao động ở Hàn Quốc khá lớn nhưng đây vẫn là thị trường đầy hấp dẫn.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cảnh báo là sẽ tiếp tục đóng cửa với lao động Việt Nam nếu như số lao động bỏ trốn sau khi hết hợp đồng không giảm xuống dưới 30%. Con số này năm 2012 là 50%, năm 2014 đã giảm nhưng vẫn hơn 35% và Việt Nam là nước có số lao động vi phạm hợp đồng cao nhất trong 10 quốc gia có lao động ở đây. Trong đó Bắc Giang là địa phương có nhiều lao động đang sống “ngoài vòng pháp luật” ở Hàn Quốc.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp như ký quỹ “chống bỏ trốn” 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh hay xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng đối với vi phạm hợp đồng. Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình có con em lao động ở Hàn Quốc chấp hành nghiêm hợp đồng lao động và về nước đúng thời hạn. Thế nhưng tình trạng lao động bỏ trốn vẫn chưa được ngăn chặn. 

Nguyên nhân chính của việc lao động vi phạm hợp đồng lao động tại Hàn Quốc là do ý thức pháp luật kém. Đây cũng là điểm yếu của không ít người Việt Nam khi ra nước ngoài. Mặc dù lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc đánh giá là cần cù, thông minh nhưng họ vẫn rất ngán ngẩm với việc có quá nhiều lao động Việt Nam đang “sống chui” ở đây. 

Việc cân nhắc mở cửa tiếp nhận lại lao động Việt Nam chậm ngày nào, thậm chí là không mở cửa trở lại là thiệt cho người lao động ngày ấy. Chỉ vì lợi ích của một nhóm người đang sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà cơ hội của rất nhiều người bị bỏ lỡ, trong đó có chính con em của họ. 

Nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật kém nên giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người lao động và gia đình có người đi lao động ở nước ngoài. Làm thế nào để họ nhận ra những rủi ro khi đang phải “sống chui” nơi đất khách quê người và vì cái lợi trước mắt mà gây thiệt lâu dài cho mình, cho người khác thì chẳng khác nào “tay phải chặt tay trái” đấy thôi. 

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...