Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Rửa mặt” cũng phải đúng cách

Cập nhật: 08:53 ngày 23/12/2014
(BGĐT) - Chúng ta đang tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình cuối năm. Về việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Là việc định kỳ, thường xuyên đấy nhưng “rửa mặt” như thế nào cũng phải đúng cách. 

 Có câu chuyện rằng, ở chi bộ nọ, khi tiến hành kiểm điểm tập thể chi uỷ và từng đảng viên, rất ít ý kiến đóng góp, xem ra đều nhất trí cả, nhất trí cao nhưng khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá thì nhiều lá phiếu lại “gạch” đồng chí mình ở mục “hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt”, chỉ đánh giá “hoàn thành”, thậm chí “chưa hoàn thành”. 

Lại cũng có chuyện, phần tự kiểm điểm của một số đồng chí chung chung, kiểu như ưu điểm là chính, khuyết điểm là phụ, “thành tích của tôi, khuyết điểm của chúng ta”. Ở một vài nơi, việc góp ý, phê bình cho đồng chí, đồng nghiệp phần nào có thành kiến cá nhân, chỉ nhìn vào những tồn tại, khuyết điểm mà bỏ qua những việc làm tốt, cách làm hay của người đó.

Tự phê bình và phê bình là nội dung quan trọng nhằm củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tự phê bình là thật thà nhận, công khai trước mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp nhìn thấy những cái làm được và chưa làm được, còn thiếu sót để từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục cái chưa hay. 

Trong cuộc sống, ai cũng có những ưu điểm và có lúc cũng sẽ mắc những sai sót, khuyết điểm. Nhưng lẽ thường, người ta chỉ thích được khen mà không thích bị chê, cho nên phê bình như thế nào giữa buổi họp để người nghe không thấy khó chịu và có động lực sửa chữa hạn chế là cả nghệ thuật. Phê bình nhưng phải đạt được hai mục đích: vừa cổ vũ, phát huy ưu điểm; vừa tìm ra biện pháp sửa chữa cái chưa hay, chưa tốt để tiến bộ. Thiếu một trong hai điều đó thì chưa phát huy ý nghĩa của phê bình. Nếu mục đích phê bình trong sáng (phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, vững vàng hơn trong công việc, trong cuộc sống); phương pháp, thái độ đúng đắn, chân tình (đặt mình vào vị trí của người được phê bình) thì việc phê bình chắc chắn sẽ làm cá nhân đó tốt lên, tổ chức Đảng mạnh hơn và mọi việc sẽ được giải quyết thấu tình đạt lý. 

“Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”, Bác Hồ từng căn dặn khi nói về phê bình. Với người đảng viên cộng sản, tự phê bình và phê bình không chỉ là nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng mà là cả một hành động cách mạng,một cử chỉ văn hoá.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...