Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng “bà hoả”, giữ rừng

Cập nhật: 13:26 ngày 23/12/2014
(BGĐT) - Hiện đang là cao điểm của mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. UBND tỉnh,  Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh liên tục thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và yêu cầu thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong toàn tỉnh.

 Mặc dù vậy, cách đây ít ngày, trên địa bàn huyện Yên Dũng đã liên tiếp xảy ra ba vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng chục ha. 

Theo một cán bộ kiểm lâm, cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây hại lớn cho môi trường do khí thải, mất thảm thực vật xanh, mất nguồn sinh thuỷ, mất cân bằng sinh thái nhiều năm sau vẫn chưa thể khắc phục được. Nghiêm trọng hơn, có vụ còn gây thương vong cho con người. 

Thế giới coi cháy rừng là thảm hoạ. Chữa cháy rừng là công việc cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, để trồng, bảo vệ được một diện tích rừng nhất định tốn không ít chi phí, thời gian, nhân lực. Đặc biệt ở những nơi chất đất cằn cỗi, bạc màu thì để có được một vạt rừng thật gian nan. Sau mỗi vụ cháy rừng, dù lỗi chủ quan hay khách quan đều rất khó truy cứu trách nhiệm.

Mới đây, trong cuộc làm việc với một số doanh nghiệp ngành lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng phải luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp này, không chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt để rồi phải trả giá bởi những hậu quả về kinh tế - xã hội và môi trường nếu rừng bị cạn kiệt. 

Để hạn chế cháy rừng đến mức thấp nhất, công tác phòng ngừa cần được coi trọng hơn nữa. Các biện pháp kỹ thuật phải đi đôi với biện pháp quản lý. Cùng với nghiên cứu, theo dõi, cảnh báo, dự báo cháy rừng, ban chỉ đạo, ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp cần sát sao giám sát, đôn đốc, kiểm tra. 

Lực lượng thường trực đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân khu vực có rừng, gần rừng ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin báo cháy. Tổ chức lực lượng canh phòng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn để kịp thời phát hiện đám cháy hoặc nguy cơ cháy để dập tắt nhanh nhất. 

Hướng dẫn và giám sát người dân thực hiện đúng quy trình về đốt nương làm rẫy, đốt dọn thực bì để trồng rừng, đốt đồi cỏ hoặc đồng ruộng trong và ven rừng; xử lý nghiêm theo pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm. Có kế hoạch chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân đội, dân phòng địa phương để tổ chức thực hiện phương án chữa cháy rừng hiệu quả. 

Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, sẵn sàng cho việc chữa cháy. Vận động, huy động người dân trực tiếp tham gia chữa cháy hoặc hỗ trợ lực lượng chữa cháy thực phẩm, nước uống, các vật dụng, phương tiện cần thiết khác.   

 Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...