Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cho và nhận

Cập nhật: 19:26 ngày 27/12/2014
(BGĐT) - Trong cuộc sống, cho và nhận là việc diễn ra rất bình thường. Người ta có thể cho nhau nhiều thứ và nhận về nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. 

Ở góc độ tích cực, cho đã trở thành nét đẹp, nhất là dịp chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Khi ấy, chẳng hẹn mà gặp, nhiều tổ chức, cá nhân lại có những phần quà nghĩa tình hướng đến người nghèo, đối tượng kém may mắn, thể hiện sinh động truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Xưa nay, việc cho hay nhận cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng cho không phải dễ và nhận cũng chẳng khó khăn gì, cái chính ở cách người trong cuộc thể hiện. Về cho không đúng cách, hẳn nhiều người chưa quên việc làm giả dối của hai doanh nghiệp phía Bắc khi mang bột giặt và nước mắm quá hạn sử dụng tặng người nghèo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cách đây không lâu. Sự việc vỡ lở, dù đại diện doanh nghiệp đã xin lỗi song dư âm chẳng thể lắng dịu trong ngày một ngày hai. Ngay như mới đây, xem truyền hình, nhiều người không quên gương mặt méo xệch của 20 học sinh trường tiểu học bán trú ở vùng cao Tây Bắc khi nhận gạo do một tổ chức từ thiện ở Hà Nội hỗ trợ. 

Tại buổi lễ, người ta lần lượt trao gạo cho từng em, mỗi bao 15kg. Em đầu tiên nhận gạo gương mặt rạng niềm vui. Tuy nhiên cứ lặc lè ôm bao gạo trên tay đợi đến em cuối cùng được nhận, rồi còn màn vỗ tay, chụp ảnh, hỏi rằng không bở hơi tai mới lạ. Lẽ ra, việc làm ý nghĩa đó sẽ được nhắc đến nhiều hơn nếu ban tổ chức có cách trao hợp lý để các cháu đỡ vất vả khi nhận quà.

Thường, trong lúc khó khăn, được nhận một phần quà nào đó, đơn giản như quần áo, sách vở hay gọn nhẹ hơn là tiền mặt, người nhận đều phấn khởi. Tuy vậy, gặp những trường hợp cho không đúng cách như trên, cho dù có tán dương thế nào thì trong tâm tư nhiều người cũng vẫn kém vui. 

Trong cuộc sống ở đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những người dù chẳng dư giả gì nhưng sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho người khó khăn hơn. Song lại có người chỉ nhận mà không mảy may biết tới người cho, thậm chí còn so bì hơn thiệt. Lại có người quan niệm thứ mình được nhận như của trên trời rơi xuống dẫn đến tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào lòng tốt của người khác để rồi bằng cách này hay cách khác miễn sao được nhận phần quà lẽ ra không thuộc về mình như cố chứng minh là hộ nghèo, rồi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... 

Cho và nhận vừa dễ mà lại không dễ là vì thế. Do đó, người cho cần cho làm sao để người nhận thấy được niềm vui, sự cảm thông chia sẻ với khó khăn của mình. Còn người nhận cũng nên thể hiện làm sao để người cho thấy rằng phần quà họ dành tặng thật có ý nghĩa. Chỉ khi nào cả hai phía hội đủ những điều tưởng giản đơn như thế, giá trị phần quà sẽ được nhân lên.

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...