Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Bắt cóc bỏ đĩa"

Cập nhật: 10:51 ngày 16/11/2017
(BGĐT) - "Bắt cóc bỏ đĩa” là cách ví von chỉ việc làm không đến nơi đến chốn, giống như việc bỏ con cóc lên chiếc đĩa, con cóc sẽ lại nhảy ra ngoài, dễ dàng nhảy đi mất; cách làm không dứt điểm để kéo quá dài, khắc phục, sửa chữa không được bao nhiêu, gây hậu quả xấu, mất niềm tin trong xã hội. Việc ngăn chặn xe quá khổ, quá tải đang diễn ra như vậy.

Vì sao phải ngăn chặn xe quá khổ, quá tải? Mục đích chủ yếu ai cũng thấy rõ như lòng bàn tay, đó là nhằm kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng xe ôtô. Xe chở hàng quá tải là một trong những nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của các công trình hạ tầng giao thông đường bộ; chở quá tải làm cho phương tiện lưu thông thiếu an toàn, lái xe khó khăn hơn khi điều khiển phương tiện nên dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng xe chở hàng quá tải cũng là một trong những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các chủ xe nhằm hạ giá cước vận tải để giành giật khách hàng, thậm chí nhiều trường hợp để bù đắp chi phí chủ xe đã đưa ra giá cước quá thấp, dưới giá thành cơ bản để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Từ hệ lụy trên, chiến dịch ngăn chặn xe quá khổ, quá tải được tổ chức bài bản, đồng loạt thực hiện cách đây vài năm rồi. Cả nước đã thực hiện nghiêm túc. Trong thời gian đầu, với sự ra quân quyết liệt, tình trạng xe quá tải giảm hẳn, nhiều tuyến đường hầu như không còn loại xe này, số tiền phạt có ngày lên tới hàng chục triệu đồng.

Thế nhưng, thời gian gần đây, xe quá tải có chiều hướng hoạt động gia tăng trở lại, đến hiện tại thì công khai hơn. Đặc biệt, chủ xe, lái xe có vẻ như đã “nhờn thuốc”.  Hiện tượng này tập trung nhiều nhất ở các khu mỏ đất, khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, cần tăng cường phối hợp liên ngành giữa lực lượng công an và thanh tra giao thông vận tải, duy trì “cuộc chiến” chống xe quá tải như trước đây hoặc tăng thẩm quyền cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải trong việc xử lý xe quá tải. Đồng thời, gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại về việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông thuộc địa phương mình.

Trong rất nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ, nếu để tái diễn tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động thì giám đốc Công an tỉnh và giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Đây cũng là cách chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Bắc Giang.

Cùng với các giải pháp trên, để tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" trong ngăn chặn xe quá khổ, quá tải, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố; chủ động xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về phạm vi trách nhiệm xử lý các vi phạm, nhất là ở các điểm nóng  về kiểm soát hoạt động xe quá tải.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...