Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mừng ngắn, lo dài

Cập nhật: 11:09 ngày 06/12/2016
(BGĐT) - Ngày hội trái cây Lục Ngạn (Bắc Giang) lần đầu được tổ chức vừa khép lại mang dấu ấn tốt đẹp như thông điệp mà Ngày hội mong muốn.

Đó là tôn vinh thành quả lao động của nông dân, giới thiệu, quảng bá trái thơm, quả ngọt của vùng đất Bắc Giang đầy tiềm năng, con người thân thiện, qua đó mở rộng kết nối giao thương, kích cầu phát triển du lịch.

Các hoạt động bên lề Ngày hội là hội thảo kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, phát triển vùng cây ăn quả Bắc Giang bền vững cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước, nhiều doanh nhân và những người làm vườn. Ai cũng mừng vì Bắc Giang có vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; có chất lượng thơm ngon với hương vị đặc trưng nhờ thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù và kinh nghiệm làm vườn quý báu kết tinh lại. Nhiều kinh nghiệm sản xuất được chia sẻ, hợp đồng tiêu thụ trái cây được ký kết và nhiều nhà khoa học cam kết hỗ trợ người dân kỹ thuật nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh để từng bước rộng đường cho trái cây “made in Bắc Giang” xuất ngoại.

Vui cùng vùng trái cây của tỉnh nhưng không phải đã hết lo. Nhiều nhà khoa học cảnh báo bệnh vàng lá trên cây có múi có sức lây lan, tàn phá nặng nề chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là phòng ngừa. Trong lịch sử ngành trồng trọt, loại bệnh này từng làm xóa sổ vùng cam Bố Hạ của Bắc Giang nổi tiếng một thời. Một số kỹ thuật sản xuất của nhiều hộ dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm, chưa được khoa học kiểm chứng dễ thiếu bền vững. Nhiều doanh nhân băn khoăn khi cam, bưởi Lục Ngạn đưa vào các kênh phân phối còn thiếu nhiều yếu tố để nhận dạng hàng hóa như bao bì, nhãn mác, chất lượng sản phẩm. 

Sau bao năm tạo dựng, diện tích vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn trong khi thị trường tiếp tục đòi hỏi cam, bưởi VietGAP, GlobalGAP. Đây cũng là bài toán khó cần sớm có lời giải. Còn với người làm vườn, để có những mùa trái cây ngọt lành, tiêu thụ thuận lợi, họ cũng không thể “tự bơi” khi không có định hướng thị trường, thông tin giá cả và sự hỗ trợ từ ngành công thương, chính quyền địa phương. Xem ra, giải quyết được những vấn đề này để vùng cây ăn quả có múi của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả không còn là trách nhiệm của riêng người làm vườn.

   Cao Minh Ngọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...