Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cổ phần hóa

Cập nhật: 09:10 ngày 16/12/2016
(BGĐT) - Có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước đã cổ phần hàng chục năm nay. Những ưu điểm đang được phát huy và khó khăn, vướng mắc hoặc bất cập từ chính sách đã có những điều chỉnh thỏa đáng. 

Lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang đạt được mục đích lớn nhằm thoái vốn nhà nước và xây dựng được những doanh nghiệp chủ lực, giữ vai trò chủ đạo cho nền kinh tế nước nhà. 

Bên cạnh những thành công tốt đẹp đó, chuyện lình xình xoay quanh cổ phần hóa  ngày một lớn. Khi con số 5 triệu tỷ đồng đang “chôn” ở các doanh nghiệp nhà nước thì ai cũng lo ngại. Đó là nguồn thua lỗ kéo dài, là nợ công, nợ xấu đến mức vô phương cứu chữa. Công cuộc cải tiến, đổi mới doanh nghiệp bằng cổ phần hóa nhằm giải cứu doanh nghiệp thì nảy sinh bao thứ tiêu cực. Định giá tài sản tới mức thấp nhất, cổ phần không bán ra đúng luật, lộ trình thoái vốn không bảo đảm… làm nên bức tranh cổ phần hóa nguệch ngoạc, méo mó tới mức vô hiệu hóa bên thành vực phá sản. Mối nguy hại rình rập. “Bỏ thì thương, vương thì tội” đã ở “nhãn tiền” các ngân hàng và chủ nợ là doanh nghiệp bạn bè vốn xưa nay thân thiết. Cảnh siết nợ diễn ra trong buồn thảm dường như bất lực bởi những cỗ máy, dây chuyền, con tàu vĩ đại thuở nào nay lạc hậu chỉ như những cục sắt rỉ, như những xác chết càng để lâu càng bị phân hủy, tan chảy..

Thường thường, trước cổ phần hóa người ta khoanh nợ. Món nợ khổng lồ là nguồn ngân sách nhà nước bấy nay khó xác định người có trách nhiệm trả, mặc dù cơ chế ràng buộc không thiếu. Cái thiệt cuối cùng vẫn là nhà nước, là thuế dân và nợ công mà thôi.

Vấn đề khó hiểu đặt ra là, tại sao tình trạng thua lỗ kéo dài như vậy khi đã được báo trước? Người ta đã làm những gì khi thẩm định dự án, xem xét lộ trình và nghiên cứu thị trường, năng lực đáp ứng từ năm năm tới vài chục năm. Còn khi phát hiện vốn nhà nước không thể bảo đảm thì có ngay biện pháp ngăn chặn. 5 triệu tỷ đồng bị chôn trong các doanh nghiệp nhà nước đã được coi là con số cuối cùng chưa? Việc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu khắc nghiệt nhưng cần được thực thi một cách nghiêm túc mới mong chấm dứt lộ trình quy định.

Đồng vốn nảy nở trong cơ chế thị trường đang thúc bách người ta làm giàu chính đáng. Lạm dụng sức người, sức của của dân, của nước để làm giàu cho cá nhân hoặc một nhóm người là có tội cả với lương tâm và pháp luật. Rút vốn và bảo toàn ngân sách từ các doanh nghiệp nhà nước đang đòi hỏi những nhà quản lý, những doanh nhân vừa có tâm vừa có tài mới có thể cứu vãn thành công.

Bích Hà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...