Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chặn thực phẩm “bẩn”

Cập nhật: 08:24 ngày 28/12/2016
(BGĐT) - Năm nào cũng thế, dịp giáp Tết Nguyên đán thường rộ lên chuyện thực phẩm “bẩn”. Nghĩa là, các loại thực phẩm chưa được kiểm soát như không có nguồn gốc; không rõ chỉ số chất lượng, số lượng trên tem nhãn; hàng hóa nhập lậu thẩm thấu từ biên giới…

Người tiêu dùng thực sự lo lắng khi hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm “bẩn”như thế đang vào sâu nội địa. Lực lượng chức năng ở Nghệ An, Phú Yên, Nam Định, chưa nói đến Lạng Sơn, Bắc Giang… đều đã từng bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. 

Mỡ, nội tạng động vật, cá ươn đến bốc mùi vẫn được đưa đi tiêu thụ. Sau đó là xúc xích, dăm bông, tôm, cua viên, chả cá… đã được phù phép thành những thứ khoái khẩu không chỉ người thành thị mà len lỏi tới cả vùng nông thôn hẻo lánh. Những tưởng được thưởng thức các loại hàng Âu, hàng Mỹ, Nhật  sang trọng mà giá nội, nào ngờ chỉ là những thứ phế phẩm, đổ đi từ mấy nước láng giềng. Sao có chuyện dân ta tự hại mình như vậy?

Theo học thuyết Mác- Lê nin về tư bản, không có điều gì không thể nếu lợi nhuận đạt mức 300%, nghĩa là kẻ phàm ăn đã hóa thú có thể ăn thịt chính mình, tự treo cổ mình vì lợi nhuận thì còn thương đến ai?!

Khi Tết cận kề, quy luật cung cầu gia tăng và máu tham trong mỗi con người lại nổi lên hành thiên hạ, hành cả chính mình. Vậy thì phải có giải pháp rắn, không chỉ xử hàng mà xử người, nếu cần có thể đưa lên khung hình sự vì thực phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Tại sao xe chứa cả tạ, thậm chí hàng tấn hàng lại qua biên giới rồi vào sâu nội địa một cách dễ dàng như vậy? Lực lượng nào, nơi nào tạo kẽ hở lớn như thế? Ai bắt thân với chủ hàng, tiếp tay “nối giáo cho giặc” tẩu tán hàng hóa kém phẩm cấp ấy tiêu diệt người tiêu dùng? Tất cả đều là những vấn đề bức xúc khi triển khai kế hoạch phòng chống tội phạm buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất trong thời gian tới.

Sức khỏe con người là vốn quý- ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hành động vì nó. Việc tẩy chay, quay lưng lại với hàng hóa kém chất lượng đòi hỏi sự lựa chọn khôn ngoan của khách hàng thông thái. Khổ nỗi, dân ta thường mang tâm lý mua bán kiểu chợ quê lấy niềm tin trong láng giềng làm trọng, cứ thấy người bán khen ngợi, bảo đảm bằng miệng cũng đã xuôi tai gật gù. Quầy bán thực phẩm sạch có sạch đúng nghĩa? Gà quê, gạo quê đã đáng tin cậy chưa? Chuẩn bị đón Tết, mừng xuân trong đầm ấm vui tươi thực sự nếu có nguồn thực phẩm sạch, hoàn toàn tin cậy- bởi sức khỏe con người đó là gốc rễ của niềm vui.

Hà Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...