Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện cũ vẫn mới

Cập nhật: 10:56 ngày 03/01/2017
(BGĐT) - Kỳ nghỉ Tết  Dương lịch năm nay kéo dài 3 ngày. Khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… cả trong và ngoài tỉnh, chỗ nào cũng đông. Và câu chuyện năm cũ vẫn mới, đó là rác ngập đường sau các hoạt động vui chơi đông người.

Những hình ảnh ghi lại trên các trang báo mạng ở các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm (Thủ đô Hà Nội) và Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) khiến người xem ái ngại vì mức độ xả rác “hồn nhiên” của dân mình. Ngập tràn túi ni-lon, vỏ chai nhựa, hộp xốp, thức ăn thừa… trên khắp hè phố, gốc cây. Toàn cảnh 2 tuyến phố đi bộ- bộ mặt văn hoá, văn minh của cả nước ngổn ngang như bãi chiến trường, toàn rác là rác “hậu” đón năm mới.

Chẳng phải đâu xa, cứ đến các hàng quán ăn sáng gọi là có tiếng của TP Bắc Giang cũng “cảm nhận” được mật độ rác kinh khủng đến mức nào, đặc biệt vào ngày nghỉ. Ngổn ngang ngay dưới chân thực khách là giấy ăn, vỏ chanh, quất và xương xẩu, rau thơm đủ loại, dù không ít các biển báo nhắc nhở: “Xin quý khách bỏ giấy vào thùng”. Nhiều người kỹ tính, có cảm giác… ghê ghê như ăn trên đống rác nên “nói không” với các quán ăn sáng kiểu như thế, dù có ngon đến mấy. 

Khu vui chơi miễn phí ở Công viên Hoàng Hoa Thám mới đưa vào hoạt động, rất sạch đẹp và có người trông coi, nhắc nhở thường xuyên nên đa phần người dân đều có ý thức, không đi dép và mang thức ăn, kẹo cao su lên thảm cỏ. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có người thiếu ý thức, cho con “tè” ngay ở gốc cây, ghế đá, ăn bỏng ngô vung vãi khắp thảm cỏ. Đặc biệt, ở nhiều nơi trong công viên có túi ni-lon, đồ ăn thừa, bìa giấy mà các gia đình, nhóm bạn trẻ mang tới vứt bừa bãi, rất phản cảm. 

Đã có nhiều người nước ngoài, vì yêu mến đất nước hình chữ S của chúng ta nên tình nguyện ở lại, tình nguyện nhặt rác, vớt rác, nạo vét cống với mong muốn môi trường “nhà mình” sạch sẽ hơn, trong lành hơn. Họ quan niệm đất nước như nhà mình thì một người yêu nước, yêu nhà không thể vứt rác vào nhà mình được. Tuy nhiên, để biến từ nhận thức đến hành động là cả vấn đề, khi người lớn không làm gương thì con trẻ khó có việc làm đúng, chưa nói là đẹp. Vào quán ăn, dù biển báo nhắc để rác vào thùng nhưng tâm lý mình là “thượng đế”, sẽ có người phục vụ nên vô tư vứt rác, vào đâu thì vào, ở đâu thì ở. Ra công viên, nơi vui chơi công cộng, tâm lý đã có lao công, người dọn vệ sinh chuyên nghiệp nên cũng tuỳ tiện xả rác, bất kể chỗ nào.

Cán bộ, công chức hay người dân bình thường, ở nơi làm việc hay công cộng đều có quy tắc ứng xử và ai cũng phải thực hiện cho đúng. Có vậy mới yêu nước như yêu nhà mình được.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...