Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiết kiệm

Cập nhật: 07:00 ngày 07/01/2017
(BGĐT) - Thường ngày, khi bàn chuẩn bị làm một việc gì đó, việc lớn với cơ quan, doanh nghiệp như hội họp, khởi công, khánh thành; việc trong mỗi nhà là mua sắm, cưới hỏi, tân gia… điều chúng ta thường nghe nhiều hơn cả là hai từ tiết kiệm. Dẫu vậy, vì nhiều lý do khác nhau, từ lời nói đến việc làm đôi khi lại không hẳn như thế.

Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ lời thầy giáo năm xưa. Lý do nhớ bởi bên cạnh lời thầy dặn, đó còn là lần đầu tiên chúng tôi được đi tham quan. Từ chuẩn bị chi phí cho tập thể đến chi tiêu cá nhân, thầy giáo luôn nhắc phải tiết kiệm. Đại ý tiết kiệm không phải bủn xỉn mà là sự hợp lý. Có tiết kiệm, hợp lý mới tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết và hơn nữa là các em chưa có tiền, mọi chi phí đều do bố mẹ lo cả, như thế lại càng phải tiết kiệm. 

Lâu nay, nhiều người vẫn nghe cụm từ “tiết kiệm là quốc sách”. Gần đây có thêm “tiết kiệm là sự sống còn”. Phải chăng sự xa hoa, lãng phí đã đến mức quá giới hạn, trở thành tật xấu kiểu “vung tay quá trán” ở không ít người. Điều đáng nói là tật ấy thường phổ biến vào thời điểm kết thúc một công việc, một quá trình đòi hỏi sự tập trung cao, dịp lễ, tết, hội hè hay chuẩn bị cho niềm vui mới nào đó. Không nói đến lãng phí thời gian, tiền của của công, cứ nhìn vào những nhà hàng quán ăn, đôi khi khách đứng dậy, thức ăn trên bàn cơ bản vẫn nguyên. 

Tại nhiều tiệc cưới, liên hoan, gặp mặt, nhiều người có mặt chỉ để cho có, cỗ bàn la liệt nhưng khách chỉ thưởng thức gọi là dẫn đến lãng phí. Đó còn chưa kể chuyện quà cáp, biếu xén, lạm của công, những thủ tục cầu kỳ, rườm rà theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, lần tổ chức sau dứt khoát phải hoành tráng hơn lần trước. Rồi bệnh nhu cầu sử dụng một nhưng gắng lấy, thậm chí giành giật về mình nhiều hơn nhưng rồi… bỏ đi, trong khi người thực sự cần lại không có. 

Tết Nguyên đán đang đến gần, Trung ương có chỉ thị yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí. Mới đây, Chính phủ cũng phát đi thông điệp triệt để tiết kiệm, theo đó bất kỳ ai, cấp nào nếu xa hoa, lãng phí, không thực hành tiết kiệm là có tội với dân, với nước, cần được phê phán nghiêm khắc và xử lý kỷ luật. 

Những thông điệp trên được dư luận hoan nghênh, nhưng cũng có một câu hỏi là làm thế nào để hiện hữu trong cuộc sống. Câu trả lời dễ nhưng lại rất khó. Khó là bởi lâu nay vẫn có một tâm lý chung là nhiều người thường chỉ thấy rồi chê bai người khác lãng phí, chứ mấy ai soi xét bản thân để rồi tiết kiệm. Còn dễ là bởi mỗi người chỉ cần tự sửa mình sao cho khỏi lãng phí. Và nếu ai cũng đều biết tự sửa mình thì điều hiển nhiên là sự xa hoa, hoang phí sẽ không còn.

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...