Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dễ tăng, khó giảm

Cập nhật: 07:13 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Một, hai tháng nay, câu chuyện giá nông sản từ gà, lợn, trứng đến rau xanh giảm mạnh đang khiến nông dân khốn đốn.

Nhà nuôi nhiều, trồng nhiều thì lỗ nhiều, sau ba lứa lãi cao, chỉ cần một lứa thất bát như hiện nay là coi như bà con trở về điểm xuất phát. Tuy nhiên, khi đi chợ mới thấy, chỉ người sản xuất, người sử dụng và tiêu thụ ở nấc cuối cùng là chịu thiệt, còn khâu trung gian thì không ảnh hưởng. Giá trứng bán tại nơi sản xuất chỉ 2 nghìn đồng/quả, ra đến siêu thị lên tới 4.000-4.500 đồng. Lợi nhuận phần lớn vào túi của người kinh doanh, còn người sản xuất, dù vất vả hơn, đầu tư lớn hơn và mất nhiều thời gian hơn lại thu lời rất ít. Giá gà lông loại ngon bán tại hộ 60 - 70 nghìn đồng/kg (giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg so với trước) song ở chợ vẫn 110 nghìn đồng/kg, không bớt một đồng. Hỏi vì sao giá bán gà ở trang trại dịp này giảm mà giá bán lẻ không giảm, có cô bán hàng lý giải: "Mua gà về đây còn công xá, xăng xe, đi đêm về hôm vận chuyển nên không thể giảm được". Đây là những lý do không thuyết phục.

Còn nhớ dịp đầu năm 2016, giá xăng giảm liên tiếp, có thời điểm xuống dưới 14 nghìn đồng/lít song hầu hết các nhà xe không giảm cước vận tải, vẫn giữ nguyên mức cước như khi xăng 18-20 nghìn đồng/lít. Dư luận than phiền, báo chí lên tiếng trong thời gian dài, sau đó, vin vào rất nhiều lý do, chỉ có một số ít hãng giảm vài trăm đồng/km gọi là có. Gần đây, các phương tiện truyền thông đăng tin cơ quan chức năng đề xuất tính thuế bảo vệ môi trường 8 nghìn đồng/lít xăng. Tuy mới là nội dung được đưa ra thảo luận, xin ý kiến nhưng ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường vận tải. Nhiều chủ phương tiện đã tăng giá cước "đón đầu" giá xăng, chẳng màng tới quyền lợi của khách hàng, nhất là trong bối cảnh năm hết Tết đến, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Ngược lại với một năm trước, giá xăng giảm nhiều lần mà giá cước vẫn đủng đỉnh chưa giảm. Thêm một ví dụ nữa, đó là với giá sữa. Suốt nhiều năm nay, bất kể giá nguyên liệu đầu vào trong nước và nhập ngoại ở mức nào thì giá sữa chỉ có tăng và tăng. Người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn nên đành "bấm bụng" mua sản phẩm.

Người sản xuất, người tiêu dùng đang đòi hỏi các cơ quan chức năng  có cơ chế điều hành giá hiệu quả hơn đối với hàng hóa; quản chặt hơn ở khâu trung gian để lợi nhuận được phân phối hợp lý, tương xứng, bảo đảm quyền lợi của những đối tượng tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Nếu giải được bài toán về giá sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tạo thêm việc làm, thu nhập, giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Sâm Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...