Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chỉ có tình thương

Cập nhật: 07:00 ngày 11/02/2017
(BGĐT) - Ngày cuối tuần, một nhóm bà mẹ đang có con nhỏ gặp gỡ với nhau, thay vì những lời thăm hỏi, bông đùa tếu táo lại là câu chuyện đầy ưu tư về tình trạng bạo hành trong trường học. 

Một chị chia sẻ, đầu năm học vừa qua, con chị được vào lớp câu lạc bộ với rất nhiều bạn khá, giỏi nhưng chỉ sau thời gian ngắn, chị xin trở lại lớp đại trà. Lắng nghe con chia sẻ, chị biết cán bộ lớp dùng thước đánh con chị nhiều lần những lúc cô giáo vắng mặt. Nguyên nhân là con quay xuống nói chuyện với bạn hoặc cũng có khi cô giáo làm 2 bài toán nhưng lại làm 3 bài. Dù bạn đánh không để lại dấu vết và chắc cũng không đau song con chị buồn, ấm ức và không thiết tha đến lớp. 

Khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, chị không nhận được sự hợp tác, vài ngày sau, tình trạng này tiếp diễn. Bởi thế, chị nhanh chóng chuyển lớp cho con. Trong mấy tháng qua, tâm tính cậu bé thay đổi hẳn, hào hứng mỗi khi đến trường. Hằng ngày, đón con về, chị thường hỏi "con đi học có vui không", sau câu hỏi ấy, có chuyện gì con đều tâm sự.   

Vừa đi làm trở lại sau dịp nghỉ Tết, nhiều diễn đàn chia sẻ clip hai giáo viên ở Trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bạo hành học sinh. Hình ảnh cô giáo cầm chiếc dép tổ ong đập vào đầu một em bé như xát muối vào lòng những người xem clip. Dư luận bức xúc, phẫn nộ, ngay sau đó, trường học này đã phải giải thể. 

Những vụ bạo hành học sinh được đưa ra ánh sáng khiến phụ huynh bất an. Còn bao nhiêu vụ chưa bị phát hiện sau cánh cửa lớp học? Nhiều giải pháp được thực thi như lắp camera học đường; ngành giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức cho giáo viên; trong một số vụ việc nghiêm trọng, giáo viên, bảo mẫu đã bị truy tố, chấp hành hình phạt tù. Vậy nhưng như thế vẫn chưa đủ để ngăn chặn, giảm thiểu số vụ việc tương tự. Có giáo viên đối phó bằng cách lôi trẻ ra góc khuất camera không "quét" tới để bạo hành; có người yêu cầu cán bộ lớp hoặc chính học sinh đứng ra phạt bạn, còn mình không nhúng tay. Hậu quả là trẻ nhỏ bị tổn thương về tinh thần, thể chất, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường sau này. 

Cả xã hội lên án tình trạng bạo hành nhưng cách phòng ngừa thì chưa hiệu quả, chưa tạo nên một sức ép đủ lớn. Bởi vậy, thỉnh thoảng cư dân mạng lại "dậy sóng" khi một clip được tung lên. Có người lý giải áp lực nghề giáo đang ngày càng lớn dẫn tới một số ít thầy cô nóng giận bột phát. Đây chỉ là sự ngụy biện vì không có nghề nào là không có áp lực, không thể vì áp lực công việc mà làm hoen ố hình ảnh của người thầy, mất đi đạo đức nghề nghiệp.  

Camera và các biện pháp mạnh mẽ của ngành giáo dục nhằm trừng phạt, lên án hành vi bạo hành trẻ là cấp thiết. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, cần thiết hơn là tấm lòng yêu thương của người lớn đối với trẻ nhỏ. Chỉ có tình thương, trách nhiệm của thầy cô mới giúp xóa đi những hành động xấu xí ở môi trường học đường. Chỉ có tình thương, sự quan tâm, lắng nghe con trẻ mới giúp những bậc cha mẹ biết chuyện gì đang xảy đến với con mình, từ đó ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời những vụ việc tương tự ở Trường Mầm non Sen Vàng. 

Sâm Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...