Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lượng sức chọn nghề

Cập nhật: 07:00 ngày 18/02/2017
(BGĐT) - Vợ chồng chị Ngà có một con gái đang học lớp 12, từ lâu đã được định hướng theo ngành y vì dễ tìm việc làm, hơn nữa, cháu học tốt tổ hợp các môn tự nhiên. 

Nhưng đến trước kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì cháu nói quyết tâm theo ngành thiết kế thời trang, ngành nghề mà cháu yêu thích và có năng khiếu. Với ngành y, cháu thấy không phù hợp vì sợ mổ xẻ, sợ môi trường bệnh viện. Sau mấy ngày suy nghĩ, hỏi bạn bè có hiểu biết về ngành thiết kế thời trang, chị tâm sự và chỉ cho con thấy nghề này không chỉ có hào quang mà còn vô vàn khó khăn, trở ngại. "Con có cuộc sống, tương lai của con, mình là cha, là mẹ có vai trò gợi mở, hỗ trợ, còn quyết định chọn nghề cuối cùng là ở con. Dù con theo hướng nào thì mình cũng tôn trọng lựa chọn đó" - chị Ngà chia sẻ. 

Cách đây vài năm, bạn của tôi hào hứng báo tin con anh thi đỗ vào một trường kỹ thuật. Ai biết về cậu bé đều thấy bất ngờ vì cháu học yếu và trước đó còn lo không đỗ tốt nghiệp THPT. Hỏi ra mới hay khi thi đại học cháu ngồi cạnh một bạn học khá, được cho xem bài. Thêm nữa, với một số câu trắc nghiệm cháu cứ khoanh vu vơ nhưng lại đúng, do đó đủ điểm đỗ đại học. Ngày nhập trường, bố mẹ phấn khởi còn cháu thì lo lắng. Sau hai năm học, cậu sinh viên ấy đành bỏ dở vì không theo được chương trình, mang nỗi mặc cảm, tự ti với bạn bè. Có lần cháu tâm sự với tôi: "Cháu đã nói với bố mẹ học đại học rất khó, con thi đỗ là do may mắn thôi, không nên đi học cho tốn tiền nhưng bố mẹ cháu không nghe, vẫn hy vọng sẽ theo được. Giá như cháu đi học nghề từ đầu thì mọi việc đã khác". 

Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, câu chuyện chọn nghề lại "nóng" lên đối với cả xã hội. Những thông tin như: Hàng trăm nghìn sinh viên, thậm chí nhiều thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp; công nhân trong các công xưởng, nhà máy cứ sau 35-40 tuổi là mất việc làm khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn. Hàng loạt câu hỏi đặt ra như cho con đi học nghề hay đi làm công nhân, học tiếp lên cao đẳng, đại học hay vào bộ đội?... Rất nhiều diễn đàn tư vấn tuyển sinh, chọn trường được mở ra để mọi người tham khảo. Song thực tế cho thấy chuyện học nghề hay học đại học không phải là vấn đề cốt lõi. Mà quan trọng nhất là mỗi học sinh THPT phải tự xác định được năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế của gia đình mình để có lựa chọn thích hợp. 

Chọn nghề nào do chính các em quyết định dựa trên sự tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô và người thân. Không nên thấy nhiều người đi làm công nhân thì mình cũng đi làm công nhân, thấy bạn bè cùng trường thi vào ngành xây dựng hay y, dược thì mình cũng thi theo phong trào. Trong mọi giai đoạn, ở mọi ngành nghề, từ lao động phổ thông đến sử dụng công nghệ cao, cơ hội việc làm luôn rộng mở đối với những người học thực chất, làm thực chất, tâm huyết và có tài năng. 

 Sâm Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...