Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rất nhanh... rất kiên quyết

Cập nhật: 10:47 ngày 06/03/2017
(BGĐT) - Ngay sau khi báo Bắc Giang ra ngày 22-2-2017 đăng bài: “Khám sức khỏe định kỳ tại Công ty Hana Kovi Việt Nam - Nghi vấn hàng nghìn công nhân bị trả kết quả khống”, chính quyền và ngành chức năng đã vào cuộc rất nhanh và kiên quyết xử lý.

{keywords}
 Khám sức khỏe định kỳ tại Công ty Hana Kovi Việt Nam: Nghi vấn hàng nghìn công nhân bị trả kết quả khống

Chiều cùng ngày 22-2-2017, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang ra Quyết định thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập đối với Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Bích Động - Công ty cổ phần Y tế Nham Biền và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hành nghề tại phòng khám này.

Một trong những sai phạm dễ thấy nhất là trong khi chưa gửi hồ sơ công bố cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe về Sở Y tế và đương nhiên chưa được Sở Y tế cấp giấy đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định thì tháng 10-2016, Phòng khám này đã ký hợp đồng khám sức khỏe định kỳ cho 1.703 công nhân của Công ty Hana Kovi Việt Nam (CCN Đồng Đình, huyện Tân Yên). Với vi phạm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, chưa đầy 10 ngày sau khi báo Bắc Giang nêu, ngày 3-3, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định xử phạt hành chính Phòng khám Đa khoa chất lượng cao Bích Động - Công ty cổ phần Y tế Nham Biền số tiền 120 triệu đồng.

Vụ việc nghi vấn hàng nghìn công nhân Công ty Hana Kovi Việt Nam bị trả kết quả khống khi khám sức khỏe định kỳ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều cán bộ trong ngành Y tế sau khi đọc bài báo đã nói rằng với những người làm nghề y qua thông tin báo nêu đã biết ngay bản chất sự việc mà chẳng còn nghi ngờ gì thêm. Nói như ông Trương Đức Nhân, người nhiều năm giữ chức Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bắc Giang nay về hưu làm việc tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng từng làm tư vấn cho một phòng khám thì: Một phòng khám bình thường mà thực hiện mỗi ngày hơn 800 ca có kỹ thuật cận lâm sàng là rất khó, thậm chí là không tưởng. Ông Nhân cũng đặt vấn đề: Nếu việc khám thực hiện không đầy đủ cho 1.703 công nhân với mức phí 65 nghìn đồng/ người đã thu về hơn 100 triệu đồng sẽ được phân phối như thế nào? Ai được hưởng lợi số tiền này? Có hay không sự móc ngoặc tiền công khám bệnh và xác định sức khỏe người lao động? Đây là những lý do để cơ quan công an đã vào cuộc xem xét, làm rõ.

Việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phân loại sức khỏe công nhân để doanh nghiệp bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp; tầm soát phát hiện bệnh sớm để người được khám biết mà điều trị kịp thời; là việc làm nhân đạo vì chú trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Với ý nghĩa đó, việc chính quyền và ngành chức năng vào cuộc rất nhanh và kiên quyết xử lý đối với vụ việc trên được dư luận hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi liệu còn phòng khám nào, doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người lao động mà tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân nhưng chỉ trả kết quả khống hay không?

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...