Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Từ một chuyện nhỏ

Cập nhật: 07:00 ngày 18/03/2017
(BGĐT) - Cách đây không lâu, chỉ vì thiếu hiểu biết của phụ huynh và cả sự bất lương của những ông lang “băm”, hàng chục cháu nhỏ ở một số địa phương trong tỉnh uống thuốc cam dẫn đến bị nhiễm độc chì, để lại di chứng về lâu dài. 

Mới đây lên Lục Ngạn, tôi được nghe một câu chuyện khác rất cần cảnh báo ấy là việc sử dụng thuốc diệt cỏ phun lên nhiều loại cây lá dùng để nấu nước uống, điển hình là lá vối. Chỉ cần một liều lượng nhỏ phun lên đống cành lá vối vừa chặt trên cây xuống, vài ba hôm là có thể đưa ra chợ bán cho các “thượng đế” về hãm nước uống dần.

Ngẫm lại chuyện trên, tôi lại rùng mình nghĩ tới một vấn đề lớn dù không mới đó là vấn nạn thực phẩm bẩn. Cũng vì thiếu thông tin và cả không biết nên thực phẩm sạch - bẩn đều được vô tư đặt trên bàn ăn. Bằng chứng là ngành chức năng kiểm tra ở đâu là y như rằng phát hiện thực phẩm bẩn ở đó. Để tự cứu mình, nhiều cư dân thành thị có sáng kiến trồng rau tại gia. Chỉ cần vài khay nhựa, thùng xốp, mấy nghìn hạt rau giống, thêm bao đất, nếu sân vườn chật hẹp thì đưa lên sân thượng trồng rau. Nhiều hộ có điều kiện còn đầu tư cả vườn rau công nghệ thủy canh. Bao công sức, tiền bạc bỏ ra, có mớ rau sạch để ăn cũng có cái thú riêng dù biết rằng cách này chưa hẳn đã… sạch. 

Thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Nó không chỉ “nóng” ở bếp ăn mà còn trở thành đề tài sôi động trên các diễn đàn. Và giải pháp chúng ta vẫn thường nghe là tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng, rồi đẩy mạnh kiểm tra, xử lý song vì sao thực phẩm bẩn vẫn tồn tại thì lại là câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều người cho rằng vấn đề nằm ở tâm lý của từ người sản xuất đến tiêu dùng. Lẽ thường, điều người sản xuất quan tâm nhất là doanh thu, lãi suất, trong khi người tiêu dùng lại chỉ biết đặt niềm tin vào người bán. Thì cứ trở lại câu chuyện lá vối, thử hỏi nếu người bán không khai ra thì người mua sao biết thứ lá vàng rực, bắt mắt bày bán ở chợ quê kia đã được phun thuốc diệt cỏ. Rồi những mớ rau non mỡ, nải chuối vàng óng bày bán trên sạp, nếu chủ vườn không nói mới phun thuốc sâu, thuốc kích thích, thậm chí ngâm ủ hóa chất thì nào ai hay. Chung quy vẫn là lòng tham, sự khuất mắt trông coi, người khác dùng chứ mình có sử dụng đâu mà ngại đang tồn tại trong suy nghĩ, hành động của không ít người.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn thực phẩm bẩn, bên cạnh giải pháp ta vẫn nghe, còn nằm ở lương tâm, trách nhiệm của mỗi người. Chừng nào tư duy, nhận thức và thói quen sản xuất, tiêu dùng theo kiểu khuất mắt trông coi, lợi nhuận là trên hết không còn thì khi ấy thực phẩm bẩn mới được ngăn chặn để bữa ăn của mỗi nhà mới sạch hơn theo đúng nghĩa.

                       Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...