Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ăn xổi...

Cập nhật: 09:00 ngày 20/03/2017
(BGĐT) - Chuyện hướng nghiệp được cả xã hội quan tâm từ lâu và thường "nóng" lên mỗi khi năm học kết thúc với hàng vạn học sinh tốt nghiệp THPT trước ngưỡng cửa lựa chọn tương lai nghề nghiệp cho mình. 

Có thể thấy việc định hướng nghề nghiệp có kết quả tích cực với minh chứng là sự "phân luồng" với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thay vì  thi đại học biết lượng sức mình để học nghề đã cao hơn rất nhiều trong những năm gần đây.

Như vậy có phải  các trường dạy nghề "đắt hàng" hơn trường đại học? Câu trả lời là không! Các trường nghề trong cả nước cũng như ở Bắc Giang, kể các trường mới có bề dày kinh nghiệm hay trường thành lập có cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại thì con số tuyển sinh được đều thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Có trường chỉ tuyển được số học sinh rất ít, nhiều ngành nghề trước đây vốn thu hút nhiều học sinh thì đã giảm đáng kể, có ngành nghề không tuyển được học sinh nào?

Vậy học sinh không đỗ đại học, không học trường nghề thì đi đâu, học gì, làm gì? Dễ dàng nhận thấy hằng ngày trên các phương tiện truyền thông việc tuyển dụng lao động chỉ cần tốt nghiệp THPT mà không cần qua lớp đào tạo nghề nào. Một trong những doanh nghiệp tuyển nhiều lao động như vậy là Samsung và doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, may mặc khác với chế độ đãi ngộ cao, mức lương có thể xấp xỉ 10 triệu đồng mỗi tháng. Một số lượng học sinh không nhỏ đi làm lao động tự do ở các lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ... cũng chẳng cần qua đào tạo nghề. 

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp "cạnh tranh" với trường nghề tuyển sinh đào tạo kiểu "cầm tay chỉ việc" ngay tại doanh nghiệp với ưu đãi học sinh được nuôi ăn, ở và miễn học phí. Cách làm này khá hấp dẫn người lao động.

Thực tế cho thấy, phần lớn lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng mà chưa qua đào tạo nghề chỉ được bố trí làm những việc đơn giản, một vị trí nhất định trong dây chuyền sản xuất. Những lao động này khi không còn làm ở doanh nghiệp đó nữa thì coi như bằng không, vẫn chưa có nghề vững chắc. Đã có những doanh nghiệp sử dụng lao động kiểu "vắt chanh", tức là tuyển lao động trẻ đến một độ tuổi thì đào thải. Số  lao động bị đào thải này rất khó tìm việc mới do chưa được đào tạo nghề bài bản, lúc này xin học nghề mới lại nhỡ nhàng. Tay trắng lại hoàn tay trắng.

Học sinh mới tốt nghiệp THPT muốn có việc làm, thu nhập ngay rất dễ rơi vào tình trạng "ăn xổi ở thì" như trên. Điều này không chỉ người lao động bị thiệt thòi, tương lai sự nghiệp không bền vững mà còn là gánh nặng cho xã hội. Làm thế nào để cảnh báo cho người lao động về vấn đề này? Rõ ràng việc định hướng nghề nghiệp, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn nữa để lao động trẻ tránh được bẫy kiểu "ăn xổi".

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...