Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẫn lo

Cập nhật: 08:29 ngày 29/03/2017
(BGĐT) - Hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quý I-2017 của UBND tỉnh ngày 28-3 đưa ra số liệu khá khả quan: Toàn tỉnh có gần 80% cơ sở thực phẩm đạt vệ sinh; cả quý không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn lo giám sát chất lượng rượu thủ công như thế nào khi một loạt vụ ngộ độc rượu xảy ra gây chết người ở Hà Nội, Lai Châu; tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan ở các chợ…; trong khi việc kiểm tra, giám sát từ đầu nguồn là cấp xã gần như buông lỏng.

Không ai gần dân, sát dân như ở thôn, xã. Nhà nào buôn bán, làm ăn như thế nào, cơ bản bà con thôn xóm đều biết. Giả sử một nhà nói là chuyên nấu rượu, hằng ngày giao bán hàng trăm lít mà không có người làm, bếp không đỏ lửa thì chỉ có thể là pha chế hay mua lại từ nơi khác về, không rõ nguồn gốc. Có nhà chuyên mua bán tim, cật, lòng mề lợn mà chỉ ngồi một chỗ, cân hàng bao tải tại nhà thì lấy đâu ra “hàng nhặt” ở các chợ quê như khi họ đi giao nói với khách…

Tất cả những ví dụ đó đều đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, chính quyền xã, bà con trong thôn xóm đều biết, duy chỉ có điều nể nang, e ngại, không muốn đụng chạm và nói ra mà thôi. Và như thế, có thể đấy là nguồn gốc của rượu pha cồn công nghiệp; là tim, cật ôi thiu tẩm hóa chất để đông lạnh mang từ đâu về không ai biết.

Nguyên nhân của thực phẩm bẩn, rượu bẩn suy cho cùng vẫn từ lợi nhuận. Lợn muốn có tỷ lệ nạc cao, lớn nhanh thì cho ăn thức ăn tăng trọng; rau muốn tươi ngon cho phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích nảy mầm, ra lá; hoa quả muốn để được lâu, mau chín, đẹp mã cho thuốc giấm toàn bằng chất cấm… Vậy nên mới có chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng”; một luống để nhà ăn, một luống đem bán chợ; lợn thì chuồng nuôi thả - nhà dùng dần, chuồng nuôi bằng cám tăng trọng, chất kích thích gây ung thư thì bán ra thị trường.

Không đâu xa, ngay các quán ăn đêm lẩu- nướng ở thành phố Bắc Giang, để ý ra sẽ phải đặt câu hỏi: Tại sao đồ ăn lại rẻ thế? Cả đĩa thịt to tướng đủ loại: Bò, gà, nầm lợn, tim cật, hải sản, bạch tuộc, chưa kể rau, nấm, mỳ các loại mà chỉ có giá “bèo”, vài chục nghìn đồng/suất? Ai quản lý nguồn gốc thực phẩm các quán ăn này? Họ mua từ đâu để có giá rẻ như cho?

Sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm độc, đó không chỉ là vi phạm mà là tội ác; bởi có thể nó không làm chết người ngay như rượu độc, rượu pha cồn công nghiệp nhưng gây tác hại âm ỉ, sinh ra các bệnh hiểm nghèo, để lại di chứng, ảnh hưởng cho cả thế hệ mai sau. Hơn lúc nào, ngăn chặn, đẩy lùi thực phẩm bẩn, hãy bắt đầu từ người dân, từ chính quyền sở tại. Chúng ta cần lên tiếng để bảo vệ bữa ăn, cuộc sống của chính gia đình mình và cộng đồng.

Anh Hoàng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...