Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không phải việc riêng

Cập nhật: 07:00 ngày 08/04/2017
(BGĐT) - Sáng sớm, tôi vừa mở cổng thì bác Toàn hàng xóm đã xuất hiện, trên tay cầm chiếc điện thoại di động. 

-Điện thoại màn hình bé quá, bác đọc chẳng rõ, sang đây nhờ cháu đọc hộ xem có đúng con em của huyện mình bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc không? 

À, ra thế. Tin này tôi đã xem mấy hôm trước nên nói luôn với bác. 

- Đúng đấy bác ạ. Huyện mình nằm trong số 58 quận, huyện của cả nước có số người bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao nên phía Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lao động trong năm 2017. Nếu đến cuối năm nay mà giảm được số này thì họ mới tiếp tục mở cửa trong năm 2018. 

Nghe tôi nói thế, nét mặt bác Toàn đăm chiêu. 

- Con Thảo nhà bác học xong THPT đã đi làm công nhân ở vài nơi nhưng lương thấp quá. Nó muốn đi lao động ở Hàn Quốc vài năm tích cóp chút vốn liếng rồi về nên đã ra Hà Nội học tiếng Hàn, liên hệ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để làm hồ sơ. Tốn kém chẳng ít, giờ người ở huyện mình bị tạm dừng sang Hàn Quốc, bác chưa biết sẽ tính tiếp ra sao. 

Không chỉ riêng con gái bác Toàn, ở nơi tôi sinh sống có hàng chục trường hợp khác cũng đang làm hồ sơ xuất khẩu lao động và bị tác động trực tiếp bởi lệnh từ chối tiếp nhận của Hàn Quốc. Tôi định khuyên bác hướng cho con tìm đến các thị trường khác thì bác Toàn nói tiếp.

-Trong làng mình có nhiều lao động sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn khỏi các công ty, ra ngoài cư trú bất hợp pháp. Nhờ thế, họ có thu nhập rất cao, kéo dài thời gian làm việc ở nước ngoài được vài năm. Có người nghĩ ai vi phạm thì người đó chịu trách nhiệm, nếu có bị phạt họ bỏ tiền túi ra nộp, chẳng ảnh hưởng đến ai. Thế nhưng đây đâu phải là việc riêng của vài cá nhân nữa. Một người vi phạm làm mất đi cơ hội tìm việc làm của nhiều thanh niên khác.

Bác Toàn về rồi mà tôi vẫn thấy băn khoăn. Tôi không biết bác sẽ tiếp tục cho con chờ đợi đến khi Hàn Quốc mở cửa trở lại thị trường lao động hay lại tìm đến những doanh nghiệp làm ăn phi pháp, đưa thanh niên sang Hàn Quốc bằng visa du lịch rồi tiếp tục bỏ trốn. Nếu theo con đường đó, rủi ro sẽ không lường trước được.  

Theo thông tin trên báo chí, hiện Việt Nam có hơn 16 nghìn lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm 39% lao động cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này. Riêng ba huyện trong tỉnh là Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng tính đến cuối tháng 2-2017 có tổng số 395 lao động bỏ trốn. Thực trạng đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cộng đồng lao động Việt Nam tại nước ngoài. Muốn khắc phục, chẳng còn cách nào khác là lãnh đạo chính quyền, đoàn thể địa phương cùng vào cuộc, đến từng nhà vận động, tuyên truyền để bà con thuyết phục người thân về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc hơn đối với lao động hết thời hạn mà không về nước. Đồng thời tăng cường hỗ trợ người dân tìm việc làm mới trong nước sau khi xuất khẩu lao động trở về.

Sâm Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...