Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sống ở nông thôn

Cập nhật: 08:32 ngày 10/04/2017
(BGĐT) - Trước đây, ngày nghỉ nhiều người muốn về quê để tận hưởng không khí trong lành, ăn thịt lợn, gà sạch, rau củ quả sạch, hưởng gió tươi, nhưng nay ở nhiều vùng quê, nông thôn ô nhiễm và bẩn hơn thành phố.

Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát đi phát lại nhiều lần phóng sự về ô nhiễm nguồn nước ở đầm Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu). Cả một đầm nước rộng hơn 10 héc-ta bỗng nhiên chuyển sang màu tím ngắt kèm theo mùi hôi thối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ và sinh kế của bà con. Để kiểm chứng nguồn nước ô nhiễm đến mức nào, người dân nơi đây tự làm thực nghiệm, múc xô nước từ dưới đầm lên và thả 2 con cá bớp còn sống vào, vài phút sau, cá chết và chuyển màu trắng bệch. Với cá nâu, loại cá dễ sống nhất cũng nhanh chóng bị chết khi thả vào nước đầm này.

Không đâu xa, ngay con kênh T3 chảy qua xã Hương Mai và Trung Sơn của huyện Việt Yên cũng đang kêu cứu vì rác thải và xác động vật phủ kín mặt kênh. Kênh T6 đoạn qua huyện Việt Yên và Yên Dũng đang bị ô nhiễm nặng bởi nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư. Kết quả quan trắc nước thải của Sở Tài nguyên - Môi trường gần đây cho thấy, nhiều thông số độc hại vượt ngưỡng cho phép đến gần chục lần tại con kênh này.

Có thể thấy môi trường sống ở nông thôn đang bị đe dọa và ảnh hưởng bởi chính con người. Rác và xác động vật không thể từ trên trời rơi xuống; nguồn nước không thể “tự chuyển hoá” mà từ chính nước thải ở các nhà máy công nghiệp. Thực tế nhiều vùng quê, rác thải không được bà con phân loại, xử lý tại nhà mà tống thẳng ra khu đất trống. Các lò đốt rác thủ công, hố rác công cộng trước kia còn thấy ở nhiều nơi song nay thưa vắng dần. Cánh đồng, đường làng, nơi nào trống là thành điểm tập kết rác, trong khi dịch vụ vệ sinh môi trường ở nông thôn chưa phát triển và được quan tâm đúng mức.

Đã đến lúc chính người dân cần thay đổi nhận thức “sạch riêng, bẩn chung” để cải thiện môi trường sống cho mình. Một khi còn vô tư xả rác ra đường làng, còn vứt vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, khắp đồng ruộng, còn xả phân lợn, trâu bò ra cống rãnh và dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau màu thì môi trường còn ô nhiễm. Với các nhà máy, một khi chưa có chế tài xử lý nghiêm và dứt điểm, mạnh tay với các hành vi xả thải trực tiếp thì nguồn nước còn bẩn, còn độc hại. Và cái độc, cái hại ấy, không đâu khác, chính người dân lại phải hứng chịu, từ sự tắc trách, vô trách nhiệm của mỗi người.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...