Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sống là để cho đi

Cập nhật: 08:27 ngày 11/04/2017
(BGĐT) - Một trong những câu chuyện gây xúc động nhất tuần qua là cô gái Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi) ở Đắk Nông đã có quyết định dũng cảm và đầy nhân văn khi em hiến tạng của mẹ ruột để giúp những người khác hồi sinh. 

Mẹ Sáng không may bị tai nạn giao thông và qua đời vì chấn thương sọ não. Những ngày chăm mẹ ở bệnh viện, Sáng tình cờ xem chương trình “Mảnh ghép trái tim” trên ti vi nói về việc ghép não, hiến xác, hiến tạng có thể cứu được nhiều người. Là chị cả của 2 đứa em, đứa út mới chưa đầy 2 tuổi, cha bỏ đi, nhà cửa không có, vất vưởng lên Bình Dương làm thuê kiếm sống, trong phút giây mẹ con sắp li biệt, Sáng quyết định hiến tạng mẹ cho y học. 

“Em gọi điện cho Lương (em gái Sáng- 17 tuổi- PV) nói với em về việc này. Hai chị em khóc ròng qua điện thoại. Nhưng chúng em nghĩ  người chết rồi cũng sẽ về với cát bụi nên để người khác được cứu sống. Và em nghĩ mẹ cũng sẽ hài lòng về sự lựa chọn của chúng em”- Sáng chia sẻ.

Hai quả thận, một lá gan, một giác mạc của mẹ Sáng đã cứu được 4 người khác sống lại. Trân trọng và xúc động trước quyết định của Sáng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen. Trong thư có đoạn viết: "Tôi hết sức xúc động được biết, dù đang vô cùng đau thương khi biết mẹ đẻ của mình bị tai nạn giao thông, không thể qua khỏi, cháu đã quyết định hiến tạng của mẹ để kịp thời cứu sống nhiều người khác. Tôi trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình, để làm được việc đầy tình người đó; nghĩ rằng mẹ của cháu cũng hài lòng về nghĩa cử cao đẹp của con mình”.

Đúng là không phải ai cũng dám đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy trong giờ phút đau thương, mất đi người thân yêu của mình. Chưa kể, không phải ai cũng chấp nhận việc thân xác người thân đã khuất bị mổ xẻ, không nguyên vẹn. Nhưng ít ai biết được rằng, từ những việc làm đầy nhân văn như em Sáng, sẽ có thêm nhiều cuộc đời khác được hồi sinh, trở lại làm người. 

Người đứng đầu ngành y tế- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tạng từ rất sớm để mong có nhiều người đăng ký, như làm việc thiện. Bởi hơn ai hết, bà hiểu cả nước còn hơn 16 nghìn bệnh nhân đang ngày đêm mỏi mòn chờ người cho tim, phổi, tuỵ, thận, giác mạc để được sống lại, để được nhìn thấy lại mặt trời.

Sống là để cho đi và dù mất đi nhưng vẫn còn sống mãi, đó là ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng cho y học. Ai cũng phải về cát bụi, nhưng sự ra đi ấy làm sống lại nhiều cuộc đời thì tại sao mỗi người không suy nghĩ để làm những điều tốt đẹp, lương thiện ấy cho cộng đồng. 

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...