Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản phẩm địa phương

Cập nhật: 09:15 ngày 14/04/2017
(BGĐT) - Tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh ngày 13-4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh một lần nữa nhấn mạnh đến việc phải làm sao để mỗi địa phương, mỗi vùng trong tỉnh có một sản phẩm chủ lực. Đó cũng chính là cái đích của xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Không phải tới bây giờ tỉnh ta mới nhấn mạnh tới nội dung này mà mô hình “mỗi làng một sản phẩm” được Bộ Nông nghiệp và PTNT khởi xướng từ năm 2008. Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình này một cách có hệ thống, bài bản. 

Thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, liên kết kinh tế và quan trọng hơn cả là tăng thu nhập. 

Tới thăm một số tỉnh phía bắc của Thái Lan, chúng tôi thấy mô hình “mỗi làng một sản phẩm” của nước bạn khá rõ nét. Không cần giới thiệu mà chỉ cần nhìn vào biểu tượng của mỗi địa phương, du khách có thể biết ngay thế mạnh của họ là gì. Đơn cử như tới tỉnh Phetchabun, đâu đâu cũng thấy hình ảnh quả me đủ kích cỡ, màu sắc chăng từ cổng tỉnh tới các nơi công cộng, tuyến phố chính. Tỉnh Phitsanulok là hình ảnh quả chuối… Từ sản phẩm đặc trưng và thế mạnh này, họ liên kết giữa doanh nghiệp và người làm vườn, liên kết giữa chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên từ quả me, quả chuối, nước bạn đã sản xuất ra hơn 30 loại sản phẩm bánh mứt kẹo, đồ ăn khác nhau, tạo thành thương hiệu riêng, ai đến cũng không thể không mua mang về làm quà.

Chợt nghĩ tới quả vải thiều của chúng ta. Với sản lượng bình quân hơn 100 nghìn tấn/năm, điệp khúc “được mùa rớt giá” lúc nào cũng canh cánh với chính quyền và người trồng, bởi thời vụ thu hoạch ngắn, sản phẩm chế biến từ quả vải ít, ngoại trừ có sấy khô, đóng chai và gần đây là bảo quản đông lạnh… Chưa kể việc tiếp thị, quảng bá giới thiệu còn khiêm tốn, không để lại nhiều ấn tượng với bạn bè trong, ngoài tỉnh, quốc tế. 

Ngoài quả vải, chúng ta có nhiều địa phương có thể xây dựng và làm tốt mô hình này, như gà đồi Yên Thế, lúa thơm Yên Dũng, cần- cá Hiệp Hoà… Và như thế, bài toán tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh lại được đặt ra, rất cần chính quyền địa phương và bà con chung tay hoá giải.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...