Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm thay dân

Cập nhật: 07:56 ngày 24/04/2017
(BGĐT) - Có những việc cán bộ làm thay dân thì tốt, đáng biểu dương khen ngợi nhưng có việc không nên làm thay, thậm chí làm thay mà vẫn bị chê. Câu chuyện cán bộ xã An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang) 2 tháng/lần đi thu gom rác rồi bốc rác cho vào lò đốt là một ví dụ.

An Thượng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Yên Thế. Xã có lò đốt rác công nghệ hiện đại, có đầy đủ phương tiện thu gom rác nhưng người thu gom rác thì không. Cũng vì không có người thu gom rác nên xã phải huy động cán bộ 2 tháng/lần bất đắc dĩ làm… công nhân môi trường, chở rác từ các điểm tập kết về lò đốt. 

Lý giải về điều này, lãnh đạo xã An Thượng cho biết, vì xã chưa thu được phí vệ sinh môi trường nên lò đốt không có người trông, rác không có người tập kết và lò đốt thì thi thoảng hoạt động, do cán bộ làm. Nhiều lần, xã dự kiến thu 20 nghìn đồng/hộ/tháng nhưng chưa triển khai triệt để, chưa thu được đồng nào nên việc thuê người trông coi và đốt rác (dự kiến trả 20 triệu đồng/năm) không thực hiện được.

Không thể có chuyện vì không thu được tiền phí xả rác của người dân mà cán bộ phải đi thu gom, đốt rác. Trong khi quan điểm chỉ đạo của tỉnh rất rõ ràng: Ai xả rác thì người đó phải trả tiền, không thể để Nhà nước hay cán bộ đi dọn rác cho dân được. Chưa kể, dân An Thượng không phải nghèo, dân trí thấp; có chăng việc tuyên truyền, vận động chưa thấm, chưa ngấm vào dân mà thôi.

Câu chuyện cán bộ đi gom rác không phải của riêng An Thượng mà ở nhiều địa phương, cán bộ cũng phải làm vậy, nếu không muốn rác ngập đường. Xin được hoan nghênh tinh thần không ngại khó, không ngại… bẩn của cán bộ An Thượng nhưng về lâu dài và căn cơ, đấy không phải là giải pháp tốt và đáng khen.

Người dân xả rác thì người dân phải có trách nhiệm với hành động của mình và vì môi trường sống của chính mình chứ không chỉ sạch nhà, còn ngõ xóm, đường làng, cống rãnh bẩn sao cũng được. Ở nhiều nơi, dù chưa có lò đốt rác hiện đại nhưng người dân đã tự biết bảo nhau phân loại rác, thuê người thu gom và đổ rác đúng ngày, đúng giờ quy định. Như vậy, vừa sạch môi trường vừa thành nền nếp giữ gìn vệ sinh chung.

Tối thiểu 20 nghìn đồng trong một tháng cho một hộ để trả cho người thu gom và đốt rác, để rác không bị lưu cữu, không bị hôi thối bốc mùi quanh nhà, điều đó nên làm, trước khi nghĩ tới những điều to tát khác.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...