Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giám sát sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 10:22 ngày 28/04/2017
(BGĐT) - Chăn nuôi lợn đi vào "vết xe đổ" của nhiều loại nông sản khác như: Dưa hấu, hành tím, thanh long... là việc thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên bài học về khủng hoảng thừa đã nhãn tiền, không bất ngờ.  

Điều đáng bàn là tại sao những nghịch lý sản xuất nông nghiệp bấy lâu nay chậm được khắc phục, khiến người nông dân mãi chịu cảnh làm ăn "một thắng hai thua"?

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều loại sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng "nóng". Sức hút của nó cũng bắt đầu là thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, thị trường này vừa "dễ tính", vừa được giá. Những nông dân làm ăn thắng vài vụ đầu được coi là "năng động, nhạy bén với thương trường". Thế rồi người nọ làm theo người kia, mở rộng quy mô sản xuất, tăng diện tích, tăng sản lượng tới mức không kĩm hãm được. Và, ngã ngửa khi nông sản dồn ứ tại cửa khẩu, không qua được biên giới. Người thua thiệt nhiều nhất chính là   nông dân. 

Với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân đáng lẽ ra là mảnh đất màu mỡ cho  thị trường nông sản. Thế nhưng nghịch lý là trong khi người sản xuất bán rẻ như cho thì người tiêu dùng vẫn phải mua giá trên trời. Đơn cử giá lợn hơi chỉ hơn 10 nghìn đồng/kg nhưng giá thịt lợn ở chợ vẫn cao hơn 4- 5 lần, còn siêu thị thì một mình một giá cao gần gấp đôi giá ngoài chợ. Người bán giải thích do phải qua nhiều khâu trung gian nên giá bán lẻ bị đẩy lên, nhưng ai cũng biết họ đang lãi rất lớn từ sự khủng hoảng thừa này.

Thực trạng trên cho thấy hệ thống bán lẻ còn nhiều bất cập, chưa hỗ trợ được cho sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nông sản "đánh mất" thị trường nội địa còn do bị giảm niềm tin của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy mà người sản xuất tự tổ chức bán nông sản với giá rẻ cũng rất khó do người tiêu dùng chưa tin cậy nên họ vẫn chọn nơi mua quen thuộc dù biết giá đắt hơn rất nhiều.

Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chiếm hơn 70% giá thành chăn nuôi. Khi giá lợn nhúc nhích tăng thì giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng theo và tăng nhanh nhưng khi giá lợn giảm thì nó giảm rất chậm và không giảm. Khi lợn không bán được thì doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y xoay sang thanh toán bằng tiền mặt không cho trả chậm nữa, người nông dân chẳng biết kêu ai.

Phần lớn nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu; sản xuất thức ăn và chăn nuôi không nằm trong một hệ thống khép kín từ thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - chế biến nên cơ sở sản xuất thức ăn không có trách nhiệm cao với sản phẩm của mình; điều này đã góp phần làm cho năng suất chăn nuôi thấp và giá thành sản phẩm cao. Nếu có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng như thuốc thú y hẳn sẽ giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi. 

Để các loại sản phẩm nông nghiệp  không đi vào "vết xe đổ" khủng hoảng thừa, để nông dân không bị "một thắng hai thua" vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã  cần giám sát chặt chẽ, định hướng sản xuất bằng cung cấp thông tin thị trường, có những cảnh báo về cung - cầu, giá cả, sức cạnh trạnh của sản phẩm một cách thường xuyên cho nông dân.

Cùng đó quan tâm việc tập huấn, hướng dẫn cho nông dân sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm khai thác tốt hơn nữa thị trường trong nước.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...