Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trường nội địa

Cập nhật: 07:55 ngày 03/05/2017
(BGĐT) - Các điểm du lịch ken kín người là cụm từ được báo chí nhắc đến nhiều nhất trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Du lịch nội địa "được mùa", mặc dù nảy sinh một số hệ lụy nhưng là một tín hiệu vui về chất lượng dịch vụ du lịch với người tiêu dùng trong nước. 

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trùng vào cuối tuần, kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày nên nhiều người đã lựa chọn tua du lịch, nghỉ dưỡng nội địa. Báo chí và mạng xã hội phản ánh, từ đỉnh Fansipan đến bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá) hay Vũng Tàu, Đà Lạt, du khách tăng đột biến gây quá tải toàn bộ hệ thống khách sạn, giao thông, hạ tầng và các điểm tham quan. 

Nhiều du khách cho biết, mấy năm trở lại đây, nghe trên phương tiện thông tin đại chúng thấy Sầm Sơn ít chuyện chặt chém, bãi tắm đẹp hơn nên quyết định quay trở lại và đã phải đặt phòng trước cả tháng. "Sầm Sơn là một bãi biển đẹp, con người thân thiện và đặc biệt điều tôi thích thú là giá cả ở đây đều được niêm yết, không có chặt chém, không gây bức xúc cho du khách”- một du khách chia sẻ trên Facebook.

Cũng giống như Sầm Sơn, nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác mặc dù có những "hạt sạn" như giá phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống tăng, "cò du lịch" môi giới mua sắm, ăn uống... nhưng nhìn chung đều thấy lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra về giá cả, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trước, trong và sau dịp lễ.

Tại các điểm du lịch của Bắc Giang, nhất là Suối Mỡ (Lục Nam) theo ghi nhận của phóng viên Báo Bắc Giang, lượng du khách đổ về tới hàng vạn người, đạt kỷ lục trong những năm gần đây, chất lượng dịch vụ có nhiều chuyển biến, phục vụ tốt hơn cho du khách.

Bức tranh du lịch nội địa khởi sắc bởi sự nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng trong việc quan tâm đầu tư hạ tầng, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; doanh nghiệp và người dân ở các khu du lịch đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan, chất lượng dịch vụ, tránh kiểu làm ăn chụp giật, củng cố niềm tin với du khách. Tiêu biểu nhất trong đó là khu du lịch Sầm Sơn.

Từ kinh nghiệm về phát triển du lịch có thể là bài học quý cho sản xuất, kinh doanh của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác.  Một vấn đề hết sức "nóng" thời gian qua là thịt lợn rớt giá thê thảm do không xuất khẩu được qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Sau lời "kêu gọi hỏa tốc" của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia giải cứu đàn lợn cho bà con nông dân, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc bằng việc dự trữ đông lạnh, mở thêm các quầy bán lẻ, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng... Cách làm này đã phần nào giảm khó khăn cho các hộ chăn nuôi. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra liệu có nên để tình trạng "nước đến chân mới nhảy" như giải cứu thịt lợn đang diễn ra hay không? Tại sao với lợi thế là "vương quốc nông sản" nhưng lâu nay nông sản của ta hầu như vẫn ở ngoài hệ thống bán lẻ hiện đại? Niềm tin của người tiêu dùng ở mức nào với nông sản trong nước, trong khi nhiều người chỉ tin dùng hàng ngoại?...  Chất lượng, giá cả và hệ thống phân phối nông sản như thế nào để chiếm lĩnh thị trường nội địa tiềm năng là bài toán đang cần lời giải.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...