Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trông trời, trông đất... và trông thị trường

Cập nhật: 08:19 ngày 16/05/2017
(BGĐT) - Tập quán sản xuất tự cung, tự cấp thường chỉ quan tâm đến yếu tố được mùa chứ chưa để ý làm thế nào cho được giá. Còn sản xuất hàng hóa lại phải quan tâm đến yếu tố thị trường để được giá. Tuy nhiên, đây là khâu yếu của nông dân hiện nay.

"Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm..."- câu ca dao phản ánh cách thức làm nông từng phụ thuộc rất nhiều về thời tiết. Nghe kể ở nông thôn xưa có hội trông trăng của các lão nông. Vào ngày Rằm tháng Tám, các lão nông thức thâu đêm xem trăng mờ tỏ thế nào để đoán con nước vơi đầy, mùa đông năm ấy rét đậm hay rét nhạt... mà tính toán mùa màng. Bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, việc dự báo thời tiết nhanh và khá chính xác; các điều kiện sản xuất nhân tạo có thể điều chỉnh các yếu tố như: Nước, phân, cần, giống... chủ động hơn nên nhiều kinh nghiệm của nông dân đúc kết lâu đời có khi trở nên không cần thiết. 

Cũng nhờ ứng dụng khoa học tiến bộ, nhất là ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, chất lượng nông sản ngày càng tăng, giá thành hạ; nhiều loại sản phẩm hầu như không còn phụ thuộc vào yếu tố "ông trời" mà được mùa quanh năm. Thế nhưng, một nghịch lý vẫn thường diễn ra là được mùa thì mất giá, thậm chí phải đổ đi không bán được. Vải thiều, dưa hấu, thanh long... và mới đây là thịt lợn rơi vào tình cảnh như vậy.

Được mùa, mất giá là do chi phối của quy luật thị trường về cung - cầu. Sản xuất hàng hóa khác với tự cung, tự cấp, trao đổi sản phẩm là bán cái thị trường cần chứ không phải cái mình có. Nói "tốt chợ hơn tốt lợn" là thế. Tuy nhiên, hầu hết nông dân chỉ bán hàng cho thương lái chứ đâu có nắm bắt thông tin thị trường để sản xuất cho phù hợp. Người chăn nuôi lợn nuôi 100 con nếu bán được giá thì tăng đàn lên gấp đôi hoặc gấp nhiều lần; người trồng cây ăn quả, trồng rau màu thấy vụ này được giá thì tiếp tục mở rộng diện tích. Nhà nọ nhìn cách làm ăn của nhà kia. Biết đâu đến cuối vụ thì hóa ra nhiều quá, bị ép giá hoặc không bán được. 

Một lứa chăn nuôi gà từ ba đến sáu tháng, một lứa lợn từ sáu tháng đến một năm; một giống cây ăn quả từ lúc trồng đến khi thu hoạch ít cũng vài ba năm. Trong từng ấy thời gian giá cả thị trường đã biến đổi muôn hình vạn trạng. Cho nên lúc bắt đầu nuôi, trồng thì được giá nhưng đến lúc thu hoạch thì đã rớt giá thê thảm.

Thất bại với một số loại nông sản vì người nông dân vốn chỉ quen trông trời, trông đất mà chưa biết trông thị trường. Vậy ai sẽ trông thị trường cho nông dân? Xin thưa đó là việc của các nhà quản lý và doanh nghiệp. Thu thập, xử lý, dự báo về thông tin thị trường rồi loan báo đến từng hộ sản xuất là việc một số nước phát triển đã làm để bình ổn giá nông sản. Có nơi người ta đề nghị các hộ sản xuất nhắn tin qua điện thoại về quy mô, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đến cơ quan chức năng và nhận được thông báo trở lại về dự báo thị trường để nông dân chủ động điều tiết sản xuất. Một cách thức làm ăn chắc chắn hơn là sản xuất theo hợp đồng. Nông dân hợp đồng với thương lái, doanh nghiệp vì thương lái, doanh nghiệp nhạy bén về nắm bắt thị trường. 

Xin nêu hai cách trên, còn có cách "trông thị trường" nào khác nữa rất mong nhà quản lý và doanh nghiệp sớm áp dụng để giúp nông dân được mùa, được giá.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...