Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảm chi phí không chính thức

Cập nhật: 07:57 ngày 19/05/2017
(BGĐT) - "Đất nước không thể giàu mạnh nếu doanh nghiệp yếu kém" - người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy tại hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017" diễn ra ngày 17- 5. 

Để doanh nghiệp mạnh lên thì những rào cản, tiêu cực phải tháo gỡ, ngăn chặn, trong đó chi phí không chính thức là một trong những vấn đề được nêu ra. 

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chi phí chính thức đã giảm nhiều trong quá trình làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính, lệ phí... vẫn còn ở mức cao. Nhiều quy định chồng chéo, phức tạp làm gia tăng chi phí. Chi phí tiếp cận dịch vụ công như xin cấp chứng chỉ hành nghề, đánh giá tác động môi trường, vay vốn tín dụng, phòng cháy chữa cháy... chưa được cải thiện nhiều.

"Nóng" nhất có lẽ là vấn đề đất đai. Việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tính giá đất, giá đền bù còn phức tạp, chưa sát với thực tế thị trường; thông tin quy hoạch không rõ ràng dẫn đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang năm qua tăng 7 bậc, có 5 chỉ số tăng điểm, 5 chỉ số giảm điểm. Trong đó việc  tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Với các dự án lớn, chính quyền vào cuộc tích cực thì giải phóng mặt bằng dễ dàng, còn dự án nhỏ, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân thì rất chậm. Có nhiều nơi, người dân đòi quyền lợi cao hơn mức quy định nên khó giải quyết nhanh chóng. 

Nguyên nhân của chi phí không chính thức tăng là mặc dù Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng khâu thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc; còn sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Còn tồn tại cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy từ quản lý sang lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, chưa theo kịp tinh thần, chủ trương chính quyền kiến tạo; chưa tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về đạo đức công vụ; thậm chí còn định kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn, nhũng nhiễu; một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách. Trách nhiệm công vụ chưa cao và các yếu tố khác khiến công chức còn lạm dụng quyền để kiếm chác nhờ chi phí không chính thức từ doanh nghiệp. 

Có thể thấy chi phí không chính thức là vấn nạn muôn hình vạn trạng, hệ lụy của nó làm bóp méo cạnh tranh, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy quản lý. Đáng lưu ý có nơi vẫn lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; có điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp chưa được dẹp bỏ.

Để giảm chi phí không chính thức, nhiều ý kiến đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc rằng doanh nghiệp là động lực của sự phát triển; chính quyền các cấp có trách nhiệm kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Theo đó các doanh nghiệp cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính cũng như chung tay với cơ quan nhà nước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Chính quyền các cấp cần tiếp tục có giải pháp đột phá, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ cho cán bộ, công chức; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...