Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chăm lo "Búp trên cành"

Cập nhật: 08:45 ngày 01/06/2017
(BGĐT) - Hôm nay (1-6), Ngày Quốc tế thiếu nhi, bắt đầu Tháng hành động vì trẻ em, cùng thời điểm Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ 1-6-2017, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta luôn phấn đấu dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. 

Hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, các chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, những năm qua các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh đã được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng bởi gia đình, người thân hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định.

100% trẻ em là con gia đình thuộc hộ nghèo được giúp đỡ bằng các hình thức như trợ cấp, cấp học bổng, thăm hỏi, tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập... Trẻ em khuyết tật được khám sức khỏe, phục hồi chức năng, được học tập hòa nhập trong các nhà trường. 

Trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhiều đơn vị, địa phương có cách làm sáng tạo. Điển hình như Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp Báo Bắc Giang thành lập Quỹ “Chắp cánh ước mơ” để kết nối các nhà hảo tâm giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, cắp sách tới trường. 

Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng, trẻ em vẫn có nguy cơ bị bóc lột, xâm hại, bạo lực. Đặc biệt là thời gian gần đây, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Điều đáng lo ngại nhất là những con số thống kê chỉ phản ánh được phần nổi của tảng băng vì nhiều vụ việc gia đình và nạn nhân không dám hoặc ngại tố cáo. 

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” là dịp để cấp ủy, chính quyền nhìn lại công tác trẻ em trong thời gian qua, tăng cường tuyên truyền, giáo dục xã hội, nâng cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời cũng là dịp các gia đình, xã hội có việc làm thiết thực, cụ thể vì trẻ em.

Để triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em có hiệu quả, cơ quan chức năng cần xây dựng những giải pháp cụ thể để chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em, tập trung vào việc thúc đẩy kỹ năng làm cha mẹ cũng như giáo dục, phổ kiến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình.

Mỗi khi bàn về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta luôn nhớ tình yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Bác viết: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn. Vì thế, các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, trường học và mỗi gia đình cần chăm lo giáo dục con trẻ để các em được sống những ngày vui tươi hơn, để những khoảng tối ngày càng ít đi và những khoảng sáng trong cuộc sống của các em ngày càng được nhân lên.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...