Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thêm một biện pháp chống oan sai

Cập nhật: 08:11 ngày 12/06/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, việc xét xử đã để xảy ra nhiều trường hợp oan sai nghiêm trọng, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. 
Việc công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của tòa án nhằm thêm một biện pháp chống oan sai, bảo đảm công bằng trước pháp luật.

“Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài”, vậy mà có người bị tù oan 5 năm, 10  năm, thậm chí có vụ 16 năm nhưng gần đây mới được phát hiện. Điển hình ở Bắc Giang có các vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ Hàn Đức Long hay vụ Lê Bá Mai ở Bình Phước, vụ Hồ Duy Hải (Long An)... Các trường hợp làm oan đã được xử lý, bồi thường song vẫn để lại hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan. 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong một số trường hợp, bức cung nhục hình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình còn chậm và việc xử lý đối với cán bộ vi phạm có biểu hiện nương nhẹ. Một nguyên nhân khác dẫn đến oan sai xuất phát từ bệnh thành tích, tình trạng coi trọng “án tại hồ sơ” chưa coi trọng “án tại phiên toà”. Trong khi đó, phần lớn các vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên chưa bảo đảm tranh tụng để tránh oan sai.

Từ thực tế trên đã có nhiều biện pháp chống oan sai được đặt ra như: Trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật. Kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; xem xét, điều chuyển biên chế phù hợp cho các địa phương xảy ra nhiều án, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm…

Cùng với những biện pháp trên, Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16-3-2017 của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu từ ngày 1-7 tới, những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Dư luận rất hoan nghênh quy định này và đề nghị cần được triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua đó giúp người dân thuận lợi tiếp cận, giám sát, đánh giá về phán xét của tòa án, về việc tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Từ sự giám sát này, các thẩm phán sẽ tự nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; đồng thời là kênh thông tin để tòa án đối chiếu, tham khảo nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và bảo đảm việc thực hiện công lý được nghiêm minh.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...