Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bao giờ gà, lợn đi “tây”?

Cập nhật: 10:16 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Hai năm nay, quả vải của Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) đã xuất ngoại, đến với các thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản... Một số loại quả khác của Việt Nam như thanh long, xoài... cũng đã tiếp cận với thị trường quốc tế, mở ra hướng xuất khẩu trái cây ở Việt Nam, trong đó có Bắc Giang.

Ngoài cây ăn quả, Bắc Giang còn là tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi với tổng đàn lợn trong tốp đầu của cả nước; gia cầm với sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” nổi tiếng không kém. Tuy nhiên, trong tình cảnh chung của cả nước, giá thịt lợn hơi xuống thấp, bán rẻ như cho khiến toàn dân phải “giải cứu” thịt lợn, bài toán làm gì để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được đặt ra.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang một số nước như: Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn và 5 tháng đầu năm nay là 10,6 nghìn tấn, thu về 46 triệu USD. Với sản phẩm gia cầm, mới có hai doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản; còn hiện tại, chỉ xuất khẩu trứng gia cầm đã qua chế biến như trứng vịt muối, trứng chim cút đóng hộp sang Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản. 

Thực tế trong những năm qua, tổng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và có dư để xuất khẩu song sản phẩm làm ra lại chưa thể xuất khẩu tương xứng với tiềm năng. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, do quy mô chăn nuôi của chúng ta nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh, nhất là với sản phẩm tươi sống. Hiện cả nước vẫn chưa có vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận; không có chuỗi sản xuất khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...; trong khi các nước có nhu cầu nhập khẩu yêu cầu rất cao về vấn đề này. Chưa kể, giá cả sản phẩm chăn nuôi của nước ta nhìn chung còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới...

Bao giờ gà, lợn đi “tây”? Để hoá giải được vấn đề này cần một chiến lược bài bản, có định hướng từ các bộ, ngành trung ương tới các địa phương trọng điểm và đặc biệt, có sự chung tay, tiếp sức của doanh nghiệp. Mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra đã rõ: Năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản và từ năm 2018 mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Với thịt lợn, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu. Nếu nắm bắt được cơ hội này và có định liệu từ bây giờ, lợn, gà của Bắc Giang có nhiều cơ hội xuất ngoại, để vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa không còn phải cầu viện giải cứu nữa.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...