Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần nhiều bể rác giữa đồng

Cập nhật: 08:55 ngày 03/07/2017
(BGĐT) - Trước việc nông dân một số địa phương xử lý bao bì thuốc bảo vệ bằng lò đốt rác nhỏ ngoài cánh đồng, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu không triển khai hình thức xử lý này. Theo đó, với loại rác thải đặc biệt này, cần thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.

Bắc Giang là tỉnh nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Với việc sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm thì tương đương với đó là cả chục tấn bao bì cần được thu gom, xử lý đúng cách. Tuy nhiên, trên thực tế, cách xử lý theo kiểu thủ công, gom lại rồi đốt hay vứt vương vãi khắp bờ ruộng, dọc con mương đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.

Tới các cánh đồng, không khó để bắt gặp những vỏ chai, lọ, túi nilon chứa hoá chất bảo vệ thực vật vứt đầy đồng hay trôi dọc bờ kênh, dù có hay không bể chứa rác. Trong khi bể chứa không nhiều, nơi có nơi không hoặc không theo tiêu chuẩn nào thì ý thức của người sử dụng cũng rất tuỳ tiện, pha chế xong là bạ đâu vứt đấy, dù lượng thuốc dính lại trong bao bì không phải là ít.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên-Môi trường: “Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng xong thì không được dùng vào các mục đích khác, không tự ý xử lý, đem chôn hoặc đốt bao gói thuốc bảo vệ thực vật”. 

Quy định là vậy song nơi có bể thì bể đầy là bà con đốt, lẫn với rác thải sinh hoạt gây khói, mùi ô nhiễm ra môi trường. Nơi không có bể thì bà con tự ý chôn lấp hoặc vứt đầy đồng khiến vỏ thuốc tồn dư, không phân huỷ được, ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng tới sức khoẻ, đời sống nhân dân.

Tất cả bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom lại để xử lý đúng quy định. Muốn thu gom được thì rất cần ở các cánh đồng có những bể chứa rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật riêng biệt và đúng quy chuẩn. Thực tế việc xây một bể chứa này khoảng một triệu đồng. Nhiều nơi kinh phí do địa phương và nhân dân cùng làm; bể có nắp đậy, láng xi măng bên dưới, không sợ mưa và rỉ nước thải ra đồng. Cùng đó, tuyên truyền và hình thành cho bà con thói quen xả thải bao bì đúng nơi quy định; không vứt bao túi chứa hoá chất ra môi trường, đồng ruộng, kênh mương và để chung với rác sinh hoạt. Có như vậy, môi trường sống ở mỗi làng quê mới thật sự trong lành, không chỉ hôm nay và cả mai sau.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...