Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thông tin cá nhân

Cập nhật: 08:21 ngày 17/07/2017
(BGĐT) - Đã gọi là thông tin cá nhân thì phải là riêng tư, ít người biết nhưng thực tế, nhiều người vô tình tiết lộ thông tin về bản thân cho nhiều người; cùng đó, có tổ chức, cá nhân lợi dụng, mua bán, trao đổi thông tin cá nhân gây phiền toái, thậm chí lừa đảo.

Bản thân tôi cũng là nạn nhân (tất nhiên không thành) khi bỗng dưng bị truy nợ qua điện thoại cố định. Dù là điện thoại công vụ nhưng không hiểu sao có cuộc gọi đến thông báo nợ cước điện thoại 9 triệu đồng, nếu không trả ngay sau hai tiếng sẽ bị khoá máy. Kiểm tra số gọi đến thì không liên lạc được; phía bưu điện xác nhận không nợ nần gì và cũng không có ai gọi điện báo.

Không biết ở đâu ra cuộc gọi đến đòi tiền kiểu trên nhưng gần đây, một số tỉnh, TP đã xuất hiện trở lại kiểu lừa đảo dạng này. Ngày 13-7, bà K (67 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được điện thoại cố định báo bà liên quan tới một vụ án buôn bán ma tuý xuyên quốc gia. Đối tượng đọc vanh vách họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số tiền gửi tiết kiệm của bà... và yêu cầu trong hai ngày phải chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản để “cơ quan điều tra” xác minh.

Cũng với thủ đoạn này, nhiều người, chủ yếu là người trung, cao tuổi, có sổ tiết kiệm ở Hà Nội liên tục nhận được điện thoại cố định thông báo liên quan tới vụ án này nọ (khi là án ma tuý, lúc là án lừa đảo) và yêu cầu chuyển tiền để xác minh, điều tra xem có liên quan không.

Một điểm chung của tất cả các cuộc gọi đến đe doạ, đòi chuyển tiền ngay là đối tượng đều thuộc chính xác thông tin cá nhân của từng người như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, thậm chí cả tài khoản, có bao nhiêu tiền gửi ở ngân hàng và là ngân hàng nào... Khi nhận được điện thoại, lại bị gọi liên tục trong thời gian ngắn nên nhiều người hoang mang, tin rằng chỉ có cơ quan điều tra mới biết rõ thông tin đó nên đã nộp tiền theo yêu cầu của đối tượng để chứng minh mình vô tội.

Đúng là trên thực tế, nhiều người vô tình để lộ, lọt thông tin cá nhân của mình. Đơn cử như đi siêu thị, mua bộ quần áo, hộp sữa... đều được “cho em xin số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ” để làm thẻ thành viên, khuyến mại, bảo hành... Chưa kể, việc mua bán trên mạng diễn ra khá phổ biến, muốn mua gì đều để lại số điện thoại, e-mail nên dễ bị lộ cho nhiều người biết. Đặc biệt, có doanh nghiệp, đơn vị, dịch vụ thường xuyên trao đổi, thậm chí mua bán thông tin cá nhân của khách gây nên phiền toái, lộn xộn và bất an cho khách hàng.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân nên hạn chế để lại thông tin cá nhân để tránh bị lộ và bảo vệ chính mình trước các đối tượng lừa đảo. Nếu cần phải để lại phải có sự cam kết, thoả thuận bảo mật đối với đơn vị yêu cầu lấy thông tin. Đừng vì sự vô tình, cả tin mà làm mồi cho kẻ xấu lừa đảo, tống tiền.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...