Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những vụ cháy

Cập nhật: 10:05 ngày 20/07/2017
(BGĐT) - Sáng ra, đọc báo “nhà” (báo Bắc Giang điện tử), giật mình vì thấy tin cháy. Ngôi nhà ba tầng kiên cố trên đường Hoàng Hoa Thám, xã Song Mai (TP Bắc Giang) nửa đêm bỗng nhiên phát cháy. May mà không có ai thương vong nhưng thiệt hại về tiền bạc thì nặng nề quá! Ô tô, xe máy ba chiếc, tivi, điều hoà, tủ lạnh... cháy rụi cả, tính sơ bộ mất cả tỷ đồng.

Đọc sang báo bạn, các trang mạng khác, lại cũng thấy cháy, cùng thời điểm nhưng xót xa hơn, còn mất cả hai người. Gần 2 giờ sáng, lửa bùng phát từ tầng một ngôi nhà 4 tầng ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đây là cửa hàng bán tạp hóa nên lửa lan nhanh ra xung quanh. Cứu hoả tới kịp thời nhưng chỉ cứu được 2/4 người. Hai mẹ con, người ngoài 80, người ngoài 50 được xác định là cứu nhau nhưng không thành và đều tử vong. Ngay gần đó, tầng 4 Khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cũng bị cháy, rất may không có người ở đó.

Còn nhớ cách đây mới ít hôm, vụ cháy ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) làm cả gia đình 4 người thiệt mạng khiến nhiều người xót xa. Lại vẫn là nhà ống, không có lối thoát hiểm nên dù chỉ bùng phát cháy ở diện tích nhỏ, cả nhà vẫn không tìm được đường ra và bị ngạt khói dẫn tới cái chết đau lòng.

Thương cảm với các nạn nhân, nhiều người còn thêm mối lo bởi biết đâu một ngày nào, “bà hoả” sẽ tới nhà mình. Cơ bản nhà dân thành thị bây giờ đều là nhà ống, diện tích vài chục mét vuông, chồng 3, 4 tầng lên và làm thêm các lồng sắt “chuồng cọp” chống trộm. Chống được trộm nhưng khi xảy ra hoả hoạn, lại khó khăn trong việc thoát hiểm, cứu người. Chưa kể, mỗi nhà thường để duy nhất 1 cửa, lại làm 2 lớp, vừa cửa sắt, cửa cuốn, làm kính bên trong; khi có cháy, phá được cửa thì sự đã rồi.

Ai cũng sợ cháy và khi đã cháy thì hậu quả để lại khôn lường. Với cháy, bao giờ phòng cũng hơn là chống. Nhiều gia đình bảo nhau cách thoát hiểm, tự cứu mình trước khi cảnh sát cứu bằng cách: Có ban công thì để khoảng trống, không làm “chuồng cọp”. Nếu buộc phải làm thì phải để sẵn búa, kìm cộng lực để phá tường, cắt khung sắt tạo lối thoát hiểm. Sân thượng cũng sẵn sàng tạo lối thoát khi hoả hoạn để chạy được sang nhà bên. Cẩn thận hơn, trang bị mặt nạ chống khói, hệ thống báo cháy tự động, thang dây, thang móc để thoát từ tầng trên xuống tầng dưới...

Nhiều người bảo “dở” khi đang yên đang lành mua bình bọt chữa cháy rồi những thứ như kể trên về nhà. Nhưng cứ nhìn vào mấy đám cháy ở trên, thấy thật cần thiết và có lẽ nên làm, để phòng bị cho chính mình và mọi người.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...