Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không "tham bát bỏ mâm"

Cập nhật: 09:24 ngày 27/07/2017
(BGĐT) - 176 hộ dân phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang ký cam kết không sử dụng tem nhãn mỳ Chũ là việc làm rất đáng hoan nghênh, thể hiện cách thức làm ăn không "tham bát bỏ mâm", hướng đến phát triển bền vững.

Đã có rất nhiều bài báo viết về làng nghề truyền thống sản xuất mỳ ở Dĩnh Kế. Ở nơi ấy có những con người cần cù, chịu khó, cha truyền con nối làm mỳ hàng chục năm qua. Ở nơi ấy, từ vài hộ rồi tăng lên vài chục hộ và nay đã có hàng trăm hộ làm mỳ. Nghề làm mỳ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Nghề phụ đã mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Người dân nỗ lực làm ra sản phẩm có chất lượng, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Chính quyền và Hợp tác xã Sản xuất mỳ gạo Dĩnh Kế quan tâm hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nên sản phẩm mỳ Kế ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới.

Rất mừng là làng nghề mỳ Kế đang trên đà phát triển. Thế nhưng, lại giật mình khi đọc bài "Mỳ Chũ sản xuất tại... Dĩnh Kế". Chỉ vì phải đóng phí bao bì của hợp tác xã và lợi nhuận cao hơn chút ít mà nhiều hộ làm mỳ ở đây chấp thuận đơn đặt hàng đóng sản phẩm của mình vào bao bì nhãn mác mỳ Chũ do thương nhân cung cấp. Đây là kiểu làm ăn "tham bát bỏ mâm", chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không chú trọng từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mặt khác đây là hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Mỳ Chũ sở dĩ được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi làng nghề đã có từ lâu đời với bí quyết làm mỳ từ việc chọn nguyên liệu, chế biến bảo đảm chất lượng và giữ uy tín với khách hàng trong hàng chục năm qua. Có được thương hiệu như thế họ đã phải bỏ ra mồ hôi công sức và trải qua không ít thăng trầm.

Để có được thương hiệu như mỳ Chũ, người sản xuất mỳ Kế chẳng còn cách nào khác là nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo niềm tin với đối tác và người tiêu dùng. Có thể đang lép vế với mỳ Chũ chứ thực ra mỳ Kế cũng có chất lượng tốt, đã và đang được người tiêu dùng lựa chọn.

Việc 176 hộ dân phường Dĩnh Kế ký cam kết không sử dụng tem nhãn mỳ Chũ tức là đã nhận thức được vấn đề nêu trên, trước hết là ý thức chấp hành quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trả lại tên cho mỳ Kế. Đáng lưu ý trong cam kết này có chế tài rất "mạnh tay", đó là hộ dân nào vi phạm sẽ bị phạt 30 triệu đồng/ lần.

Hoan nghênh người sản xuất mỳ Kế đã vượt qua được cách thức làm ăn kiểu "tham bát bỏ mâm" để phát triển lâu dài, hiệu quả.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...