Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Tấm gương phản chiếu

Cập nhật: 07:00 ngày 05/08/2017
(BGĐT) - Tôi có anh bạn công tác ở một đơn vị thuộc ngành giáo dục. Hôm rồi gặp lại, trong câu chuyện, nói về những vụ việc bạo lực trong giới trẻ, anh chép miệng bảo đại ý bố mẹ phải là tấm gương, người thầy lớn nhất của con trẻ, bằng không sẽ là nguyên nhân dẫn đến những việc làm không đúng mực lúc trưởng thành.

Ví như bác anh sinh được 5 người con trai. Cũng vì lối dạy con không đúng cách nên khi lớn lên mỗi người theo một ngã rẽ thiếu tích cực riêng, thậm chí hai trong số đó vi phạm pháp luật, bị buộc thôi việc ở cơ quan nhà nước. Mới đây, cậu con thứ hai sống ở một huyện miền núi về gây gổ với bố mẹ rồi đòi… phá nhà. Sự việc căng đến mức gia đình phải báo công an đến giải quyết.

Từ câu chuyện của bạn, tôi lại nhớ con số thống kê được công bố trên nhiều tờ báo, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.600 vụ bạo lực học đường cùng hàng nghìn vụ việc khác liên quan đến giới trẻ. Từ những vụ việc đại loại như tâm sự đẫm nước mắt của nữ sinh bị bạn học tạt axít; nam thanh niên bị đánh chết vì nẹt pô xe, chửi thề; nghịch tử sát hại mẹ rồi bỏ trốn… mới thấy cái giá đắt của khoảng trống trong giáo dục văn hóa ứng xử mà vì nhiều lý do trước đó người lớn đã không quan tâm đúng mức. Truy nguyên nhân, nhiều người chỉ thẳng là do tác động của phim ảnh, trò chơi bạo lực; gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, trong khi nhà trường ở một góc độ nào đó mới chú trọng khâu dạy chữ. Đó còn chưa kể tâm lý tuổi mới lớn, dễ bị kích động, thích thể hiện mình. Hệ quả là chỉ từ một xích mích nhỏ không được hóa giải kịp thời, không ít người sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay dẫn đến người mất mạng, kẻ vào tù. Trong nhiều vụ việc, lẽ dĩ nhiên có phần lỗi của người lớn, trong đó bao gồm cả những bậc cha mẹ.  

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục qua hành vi và lời nói là hình thức giáo dục trực quan sinh động và cũng là hiệu quả nhất. Vì thế, trước khi trách con trẻ, người lớn cũng cần soi xét hành vi và lời nói của chính mình. Lẽ thường, khi còn bé, trẻ luôn quan sát cách người lớn nói, thể hiện rồi bắt chước theo. Từ hành động bắt chước ấy tới thói quen lúc trưởng thành là khoảng cách không xa. Ví như nếu cha mẹ nghiện rượu, hút thuốc, hay cáu gắt, ưa bạo lực thì không loại trừ khi lớn lên, con cái của họ sẽ là bản sao như thế. Do đó, chỉ khi nào trong mỗi gia đình, người lớn thật sự là tấm gương về mọi mặt; trong xã hội ít đi những vụ việc chướng tai gai mắt, đâm chém, bạo lực thì hẳn sẽ hạn chế được lối hành xử thiếu văn hóa và cả thiếu trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội.

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...