Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Không thể nóng vội

Cập nhật: 17:33 ngày 08/08/2017
(BGĐT)-Những năm gần đây, mỗi khi mùa trồng rừng đến, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lại diễn biến phức tạp. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ phá rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất trống có cây tái sinh (đất Ic) với diện tích hơn 130 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam. Đây là diện tích rừng Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ nhưng chính họ lại chặt phá với mục đích lấy đất trồng rừng kinh tế. 

Nguyên nhân của tình trạng trên do hiệu quả trồng rừng kinh tế những năm gần đây rất cao. Hạch toán cho thấy, một ha rừng kinh tế sau khoảng 5 năm trồng thu lãi hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó diện tích rừng giao cho các hộ gia đình chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc đất rừng kiểu trạng thái Ic không có nguồn thu từ rừng; kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng còn thấp (200 nghìn đồng/ha/năm); các hộ đa số thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn. Các vụ chặt phá rừng lớn, diễn biến phức tạp còn do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, tinh thần trách nhiệm của một số kiểm lâm địa bàn chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thậm chí bưng bít thông tin, không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời về tình trạng chặt phá rừng dẫn tới diện tích thiệt hại lớn, tạo thành điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong nhân dân. Chính quyền cơ sở cũng chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ rừng theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng chính phủ. Đáng lo ngại là tại một số địa phương, một số cán bộ đảng viên vi phạm hoặc người thân của cán bộ chủ chốt xã phá rừng nên người dân cũng làm theo. 

Theo quy hoạch, Bắc Giang có tổng số 153,7 nghìn ha đất lâm nghiệp, bao gồm 13,3 nghìn ha rừng đặc dụng, 20,7 nghìn ha rừng phòng hộ và 119,7 nghìn ha rừng sản xuất. Trong số diện tích quy hoạch thành rừng sản xuất có khoảng 30 nghìn ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Trước đây, diện tích rừng này Nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân làm các thủ tục cải tạo, trồng rừng kinh tế nhưng nay, theo chỉ đạo, việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng. Chính bởi lý do đó mà diện tích rừng trên đã và tiếp tục có nguy cơ bị chặt phá nếu không quản lý tốt.

Từ thực tế trên yêu cầu đặt ra đối với chính quyền, ngành chức năng hiện nay là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước trong bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Người dân địa phương không vì bất kỳ lý do gì mà nóng vội, không tuân theo các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tự ý chặt phá, cải tạo diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý, bảo vệ dẫn tới vi phạm lâm luật. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải làm gương trong vấn đề này, đồng thời có trách nhiệm vận động người thân tích cực bảo vệ rừng trên địa bàn.

Hoàng Dương 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...