Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Từ dòng bút phê

Cập nhật: 08:08 ngày 16/08/2017
(BGĐT) - Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao về dòng bút phê vào lý lịch công dân của cán bộ xã ở tỉnh Hải Dương và TP Hà Nội. Hai em, một là tân sinh viên làm hồ sơ nhập học, một là cử nhân mới ra trường xin xác nhận nhân thân đều “được”  xã phê: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách và quy định của địa phương”. Lý do đưa ra là gia đình các em chưa đóng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới?!

Chưa bàn đến việc đúng hay sai, nộp tiền hay chưa nộp mà rõ ràng ở đây có sự nhầm lẫn, nếu không muốn nói là ngộ nhận, lạm quyền. Công văn Hướng dẫn số 1520 ngày 20-3-2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu rất rõ: "UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân...".

Dù cán bộ xã có bao biện thế nào nhưng đối chiếu với văn bản hướng dẫn thì đã sai quy định. Chưa xét về lý, về sự cửa quyền, ngộ nhận quyền lực của cán bộ xã, chỉ góc độ tình người với nhau, đã thấy có gì chưa phải.

Em tân sinh viên kia bước chân vào giảng đường đại học sẽ ra sao với bản lý lịch bôi đen ấy? Em sinh viên mới tốt nghiệp đại học ấy liệu có cơ quan, doanh nghiệp nào dám nhận với lý lịch bản thân và gia đình… có vấn đề như vậy? Dù gia đình các em có thể chưa nộp tiền, vì nhiều lý do nhưng cũng không vì thế mà lãnh đạo địa phương lại chặn đường học tập, công tác của chính con em xã mình được.

Từ dòng bút phê của cán bộ hai xã trên, thấy sự thờ ơ, vô cảm và tắc trách của một bộ phận công chức địa phương. Sâu xa hơn, đó còn là sự lộng quyền, độc đoán khi một trong hai vị lãnh đạo xã đó nguỵ biện trả lời báo chí rằng “làm như vậy để răn đe”.

Vụ lùm xùm đôi co đỗ xe không đúng nơi quy định của một lãnh đạo quận chưa lắng xuống thì Hà Nội lại “ghi thêm” một vụ mới về văn hoá, thái độ ứng xử và trách nhiệm với công dân, đó là để người dân đi năm lần bẩy lượt mới được cái giấy chứng tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong kỳ họp Chính phủ nào cũng ra sức kêu gọi xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhưng với cấp cơ sở, với những cán bộ vô cảm này, hai chữ “phục vụ” thật vẫn quá xa vời.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...