Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chất lượng người thầy

Cập nhật: 08:22 ngày 22/08/2017
Hôm qua (21-8), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến  toàn quốc bàn về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018. Với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản trong năm học này, ngành giáo dục nước nhà quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học tới là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Theo đó, ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức...

Nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai các giải pháp quản lý, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, đánh giá phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên nước ngoài tham gia giảng dạy và hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

Việc quan tâm xây dựng đội ngũ thầy giỏi những năm qua luôn được ngành giáo dục quan tâm, trong bối cảnh hội nhập của nước ta với thế giới ngày càng sâu rộng thì đòi hỏi về chất lượng người thầy ngày càng cao. Đây cũng là mong muốn của các bậc phụ huynh để con em mình được học những giáo viên giỏi chuyên môn, giàu tình cảm như "người mẹ thứ hai" chắp cánh cho thế hệ tương lai bước vào đời.

Nhân nói về chuyện chất lượng giáo viên, xin chép lại câu chuyện kể về giáo viên ở Nhật Bản trên trang Facebook của anh Nguyễn Quốc Vương, như sau:

Một ông bố ở thành phố nọ có cô con gái đang học tiểu học. Mỗi khi con gái đi học về ông thường có thói quen hỏi chuyện học hành ở trường. Một ngày nọ, khi cô bé đi học về ông hỏi: “Nay có bài tập về nhà không con?”.

Cô bé đáp: “Có ạ. Bài tập là hãy để một ai đó trong gia đình ôm”.

Ông bố mỉm cười và cúi xuống ôm con thật chặt. Đến tối cả mẹ rồi chị, em trai khi nghe kể cũng ôm cô bé.

Ngày hôm sau, khi cô bé học về, ông bố lại hỏi: “Nay có bài tập về nhà không con?”. Cô bé đáp: “Nay cô giáo chỉ chữa bài tập về nhà thôi” rồi kể cho bố nghe câu chuyện ở lớp.

Ở đó khi cô giáo hỏi cả lớp xem đã làm bài tập về nhà chưa thì có vài bạn đứng lên ngượng ngùng cúi mặt nói: “Con không được ai ôm”. Thế là cô giáo cúi xuống ôm từng bạn một.

Bài tập về nhà của cô giáo nói trên thật đặc biệt, tuy không phải là không ai có thể nghĩ ra. Thế nhưng cái cách chữa bài tập của cô mới thật đáng kinh ngạc.

Cô đã làm nhiều người giật mình suy nghĩ lại về ý nghĩa đích thực của giáo dục. Làm cha mẹ, có lẽ ai cũng mong muốn con mình được sống và học hành trong thế giới tràn ngập tình yêu thương và sự cảm động.

Là một phụ huynh, tôi cũng muốn con mình được học những giáo viên như thế.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...