Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếp sức cho nông thôn mới

Cập nhật: 08:25 ngày 13/09/2017
(BGĐT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên phạm vi toàn quốc. Với một tỉnh nhiều sản phẩm làng nghề như Bắc Giang thì việc thực hiện chương trình có ý nghĩa quan trọng, tiếp sức cho nông thôn mới phát triển bền vững.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh hiện có 48 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh; tập trung ở các lĩnh vực: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Doanh thu từ các mặt hàng này bình quân đạt hơn 4,7 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân như quy mô sản xuất hẹp, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm yếu... nên còn rất nhiều sản phẩm của làng nghề Bắc Giang chưa được nhiều người biết đến.

Để triển khai chương trình này, tỉnh ban hành đề án thực hiện “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sau khi thu thập, thống kê hiện trạng sản phẩm của các địa phương; tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí cho từng sản phẩm; có cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và đẩy mạnh việc xúc tiến, giới thiệu sản phẩm.

Tỉnh có đề án, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn; các địa phương cũng nhanh chóng triển khai thực hiện. Ngay trong cuối tháng 9 này, huyện Lục Nam lần đầu tiên tổ chức ngày hội “Mỗi làng một sản phẩm”; tiếp theo đó là Tân Yên và nhiều huyện khác. Thông qua ngày hội là dịp để các địa phương nhìn nhận và đánh giá lại các sản phẩm của mình, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy kinh tế nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động cả quốc gia khởi nghiệp, trong đó rất cần sự khởi nghiệp của lực lượng đông đảo nhất trong xã hội hiện nay là nông dân. Kinh nghiệm từ các nước phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản, Hàn Quốc... những năm 70 của thế kỷ trước thì nông dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Tại Nhật Bản, “Mỗi làng một sản phẩm” đã phát huy vai trò chủ thể của người nông dân; gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản; tạo ra nhiều công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn.

Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới phải là một nông thôn giàu có, ấm no và hạnh phúc. Với chủ trương hướng tới các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương sẽ là điều kiện tốt để góp phần gia tăng giá trị, giữ người nông dân gắn bó hơn với nghề, với làng của mình; từng bước xây dựng một nông thôn mới sung túc và bền vững.

Bảo Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...