Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / - °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghiêm khắc với chính mình

Cập nhật: 08:00 ngày 16/09/2017
(BGĐT) - Anh bạn tôi có cậu con trai học lớp 10. Hôm rồi đến chơi, anh phàn nàn, đại ý mới đầu năm học, cậu con trai đã gặp chuyện. Chẳng là trước đó mấy hôm, cậu bạn ở phường bên sinh nhật, thấy con đi xe đạp không tiện, anh đồng ý để cháu đi xe máy nào ngờ bị công an phạt. 

Với các lỗi chưa đủ tuổi lái xe, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm..., số tiền phạt gần một triệu đồng. Theo lời anh, bị phạt tiền đã đành, cái chính là đã chủ quan, không nghiêm khắc với con, nhỡ cháu gây tai nạn thì hậu quả thật khó lường.

Nghe chuyện anh bạn, tôi lại nhớ những lần bị vợ con quở trách vì lỗi do mình gây ra. Ví như có khi chở con bằng xe máy, con có ý đội mũ bảo hiểm thì lại cho rằng đi có đoạn, vướng víu, không cần thiết. Lại có lần vượt đèn đỏ, rồi uống rượu vẫn đi xe máy… bị vợ con nhắc. Mỗi lần như thế, dù tôi có đưa ra lý do gì bao biện cũng là vô nghĩa.  

Con trẻ là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Trong nhiều trường hợp, khi người lớn không nghiêm khắc với chính mình thì việc yêu cầu con em phải thế này, thế kia cho đúng mực là không dễ, trong đó có việc chấp hành quy định về giao thông. Trò chuyện với anh bạn là giáo viên một trường THPT ở thành phố thì thấy, nhà trường rất quan tâm vấn đề an toàn giao thông. Và để phòng ngừa, bên cạnh phổ biến các quy định liên quan, ngay tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhắc phụ huynh việc quản lý, nhắc nhở con em khi tham gia giao thông. Nhà trường có quy định rất cụ thể như nghiêm cấm học sinh đi mô tô, xe máy khi chưa đủ điều kiện; đi xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm; không tụ tập, không đi dàn hàng ngang trên đường… Trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý sẽ bị phê bình trước toàn trường; hạ bậc hạnh kiểm; gửi thông báo về gia đình… Những biện pháp trên rất cần thiết song chưa đủ nếu như thiếu sự chia sẻ trách nhiệm của phụ huynh. 

Lâu nay, công tác bảo đảm an toàn giao thông vẫn có một nghịch lý là, trong khi cơ quan chức năng tăng cường thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn cho mọi người thì không ít người lại thờ ơ với tính mạng của chính mình. Với con trẻ, để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc, bên cạnh vai trò của nhà trường, đòi hỏi mỗi bậc phụ huynh thường xuyên giáo dục, quản lý, nhất là nêu gương chấp hành quy định của pháp luật. Bằng không thì những biểu hiện như con trẻ chưa đủ điều kiện vẫn điều khiển phương tiện; phóng nhanh vượt ẩu, đi dàn hàng ba hàng bốn… sẽ tiếp tục diễn ra ở đâu đó và đây đều là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...