Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sau chanh đào là cây nào?

Cập nhật: 08:39 ngày 03/10/2017
(BGĐT) - Chanh đào rớt giá. Có lẽ thông tin này không còn làm nhiều người sửng sốt và bất ngờ nữa vì chanh đào đã đi vào "vết xe đổ" của nhiều loại cây trồng khác. Điều cần cảnh báo sau chanh đào là cây nào?

Cũng như một số loại cây ăn quả có múi khác, diện tích chanh đào trên địa bàn tỉnh tăng nhanh "chóng mặt" trong những năm gần đây. Có năm diện tích tăng hàng trăm ha. Hiện toàn tỉnh có khoảng 6 nghìn ha chanh đào.

Năm trước, chanh đào được mùa, được giá. Năng suất 1 ha chanh đào đạt từ 5 - 6 nghìn tấn. Với giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, 1 ha chanh đào cho thu về gần 160 triệu đồng. Có lẽ hiếm loại cây ăn quả nào cho thu nhập trên một đơn vị diện tích cao như chanh đào.

Năm nay, giá chanh đào giảm hơn 10 lần, chỉ từ 3- 5 nghìn đồng/kg; nhiều hộ lỗ nặng, chẳng thèm thu hái, có hộ đã chặt bỏ ngay chanh đào để chuyển sang trồng loại cây khác. Điệp khúc trồng, chặt lại diễn ra. Và người nông dân thua thiệt đủ đường. Còn người sản xuất kinh doanh giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón... có thể lại được hưởng lợi từ một "phong trào" trồng cây mới nào đó.

Phát triển theo phong trào, mở rộng diện tích tự phát không theo quy hoạch, thiếu thông tin thị trường, sản xuất cung vượt cầu là những bài học với rất nhiều loại nông sản xảy ra trong những năm gần đây. Đã có nhiều biện pháp giải cứu nông sản nhưng dường như các giải pháp căn cơ vẫn chưa được triển khai một cách bài bản và chưa đem lại hiệu quả rõ nét.

Sau chanh đào sẽ là cây nào? Các chuyên gia cảnh báo trên địa bàn tỉnh đang có hai loại cây diện tích tăng rất nóng là cam và bưởi. Diện tích cam khoảng 3.700 ha và bưởi khoảng 2.800 ha, đã vượt quá cao so với quy hoạch của tỉnh. Thế nhưng, mấy vụ gần đây cam, bưởi liên tục đạt giá bán cao nên nông dân ở nhiều nơi vẫn đang ồ ạt mở rộng diện tích.

Việc mở rộng nhanh diện tích cam, bưởi còn có cảnh báo khác bởi cây giống khó bảo đảm chất lượng dễ dẫn tới dịch bệnh. Ở một số tỉnh đã phải hủy bỏ hầu hết diện  tích cam do không kiểm soát được dịch bệnh.

Trước thực trạng phát triển cây có múi như trên rất cần sự tập trung chỉ đạo của chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn về hướng dẫn nông dân thực hiện tốt hơn nữa quy trình sản xuất VietGAP, quản lý chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh cây giống, phòng ngừa dịch bệnh và đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản.

Liệu cam, bưởi có phải rơi vào tình cảnh như chanh đào hay không điều đó phụ thuộc vào những cảnh báo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có đến được các hộ dân hay không?

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...