Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sự khác biệt nào cho gà đồi Yên Thế?

Cập nhật: 09:04 ngày 20/10/2017
(BGĐT) - Gà đồi Yên Thế có thương hiệu, đã chinh phục thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, đó là điều hết sức đáng mừng cho một loại nông sản thông dụng mà ít nơi làm được. Thế nhưng, làm gì để gà đồi Yên Thế phát triển bền vững là câu trả lời không phải dễ dàng.

Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có thể phát triển chăn nuôi gà, đó là loài vật dễ nuôi, dễ bán, là thực phẩm thường dùng hằng ngày trong mỗi gia đình. Trên thế giới công nghệ nuôi gà còn tiến bộ hơn ta rất nhiều. Sản phẩm chế biến từ gà nhập khẩu bán trong siêu thị rẻ hơn gà ta bán ở chợ. Vậy mà, gà đồi Yên Thế nhiều năm qua duy trì sản lượng cao, thị trường mở rộng, giá bán ổn định thì đó là một thành công rất đáng ghi nhận.

Với đặc thù là địa phương có diện tích tự nhiên rộng, người nông dân cần cù, sáng tạo nên nông, lâm nghiệp Yên Thế phát triển khá toàn diện. Tuy vậy, dư địa để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế của lĩnh vực trồng trọt không còn nhiều nên cách đây khoảng chục năm Yên Thế đã chuyển hướng sang chăn nuôi và tập trung vào phát triển đàn gà, chủ yếu là giống gà địa phương.

Các chính sách về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được cấp ủy, chính quyền trong huyện đặc biệt quan tâm.

Đó là những giải pháp chủ yếu để duy trì đàn gà thường xuyên gần 5 triệu con, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 14 triệu con, tạo nhiều việc làm mới và nguồn thu nhập cao cho nông dân. Cái đáng kể nhất là thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" được cả nước biết tới và được đưa vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

Trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương cho rằng thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế mới chỉ là nội địa, chưa có các doanh nghiệp tiềm lực mạnh tham gia chế biến, xuất khẩu; mô hình HTX sản xuất tập trung ít; tính liên kết giữa người chăn nuôi với HTX, doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Việc nhận diện gà đồi Yên Thế trên thị trường còn khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi cao, chất lượng không ổn định làm giảm khả năng cạnh tranh của gà đồi Yên Thế.

Đồng tình với nhận định của ông Tấn, đó là nếu người tiêu dùng không nhận diện được gà đồi Yên Thế, tức là gà đồi Yên Thế không có sự khác biệt với gà ở địa phương khác, chất lượng không đồng đều thì làm sao có thể duy trì thương hiệu và phát triển bền vững được.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế do UBND tỉnh tổ chức lần đầu tiên diễn ra tại Yên Thế vào ngày mai (21-10) hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người chăn nuôi gà hiến kế các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên. Mấu chốt là làm thế nào để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và có sự khác biệt thì mới mong phát triển bền vững cho gà đồi Yên Thế.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...