Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Mạnh tay với bạo lực học đường

Cập nhật: 08:37 ngày 26/10/2017
(BGĐT) - Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, sáng 24-10, em Phạm Lâm Tùng, học sinh lớp 8A2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) đã bị một học sinh cùng trường dùng gậy đánh vào đầu. Hậu quả, em Tùng bị tổn thương não và đang phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Tại Tuyên Quang, trong giờ ra chơi sáng 23-10, một học sinh lớp 12 Trường THPT Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn) bị đánh tử vong ngay tại trường. Theo thông tin ban đầu, hai người (một là học sinh của trường, một đã bỏ học) đánh em này ngay tại trường khiến em bất tỉnh, gục xuống. Đáng chú ý là hai em này chỉ đánh bạn bằng chân, tay nhưng do đánh vào chỗ hiểm dẫn đến bạn bị tử vong.

Cùng thời gian này, trên mạng xã hội facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị hai bạn gái đánh đập, hành hung thô bạo tại quán Internet. Ngay sau đó, một trong hai em đánh bạn được xác nhận là học sinh lớp 12 Trường THPT Minh Khai (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Hàng loạt vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, tính chất ngày càng manh động khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con em mình khi tới trường. Chỉ với 0,31 giây cho từ khoá “học sinh đánh nhau” trên Google đã cho ra kết quả 2.110.000 nội dung có liên quan. Điều đó cho thấy bạo lực học đường đã trở nên nghiêm trọng, nhức nhối và là nỗi ám ảnh trong lòng người.

Làm gì để phòng ngừa bạo lực học đường, khi phần lớn những vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi xuất hiện các clip trên mạng xã hội? Trong khi hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe, cơ bản mới dừng ở hòa giải, nặng hơn là kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ học tập. Cá biệt nhiều vụ “chìm xuồng”, nạn nhân phải nhẫn nhục chịu đựng, im lặng bởi sợ bị tiếp tục trả thù, không có ai bảo vệ. Mới chỉ năm ngoái, một nam học sinh vì “không chịu nổi nhục” (như thư tuyệt mệnh em để lại) khi xem lại cảnh mình bị quỳ gối, đánh đấm, làm nhục giữa đường tràn lan trên mạng đã phải tìm đến cái chết tức tưởi, oan khiên.

Khoan hãy đổ lỗi cho nhà trường khi xảy ra bạo lực học đường mà cần thấy rõ trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con em mình. Một khi cha mẹ còn bỏ mặc con trẻ, không dõi theo sự thay đổi tâm sinh lý, hành động của trẻ để uốn nắn cho phù hợp thì mầm mống bạo lực còn xảy ra. Cùng đó là trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc dạy bảo các em; ngoài học chữ còn cần phải học đạo đức, lối sống, học làm người. Cần tuyên truyền cho các em hiểu xâm phạm thân thể, làm nhục người khác là hành vi pháp luật nghiêm cấm và bị xử lý hình sự, nếu xảy ra hậu quả… Đặc biệt, nếu không có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý nghiêm khắc, cứng rắn hơn với những học sinh chia bè phái, lập nhóm đánh bạn thì bạo lực học đường còn xảy ra và hậu quả chưa biết sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...