Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Minh bạch tiền trường

Cập nhật: 08:30 ngày 09/11/2017
(BGĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm học mới là câu chuyện tiền trường lại nóng. Các loại khoản “tự nguyện” lên tới tiền triệu khiến nhiều phụ huynh méo mặt. Năm nay, câu chuyện tiền trường có phần lắng xuống, rõ ràng, minh bạch hơn.

Rút kinh nghiệm từ tình trạng lạm thu ở nhiều nơi trên toàn quốc, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra một số văn bản siết chặt việc thu- chi trong các nhà trường. Nhiều phòng giáo dục tập huấn cả buổi cho cán bộ khoản nào được thu, khoản nào không; việc công khai các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện như thế nào 

Mới đây, nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ 7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; trông giữ phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.

Văn bản chỉ đạo cụ thể, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát và đặc biệt là sự đồng hành, theo dõi sát sao của báo chí nên nhiều trường “án binh bất động”, không thu gì từ đầu năm học đến nay khiến hoạt động dạy và học ít nhiều gặp khó khăn. Một thầy hiệu trưởng cho biết: "Đúng là từ đầu năm học, nhà trường chưa thu một đồng nào của cha mẹ học sinh. Chúng tôi đợi phòng thẩm định xong các khoản thu rồi mới công khai và tổ chức thu theo đúng hướng dẫn. Nhiều khoản rất cần thiết như mua đồ dùng ăn bán trú trường cũng chưa dám thu, vì đó là khoản thoả thuận".

Thu nhiều quá và lợi dụng đó là tiền tự nguyện để ép phụ huynh đóng khoản này khoản kia là điều đáng chê trách, phải xử lý nhưng thận trọng quá, thậm chí e dè, ngại đưa ra các khoản thu thích đáng để phục vụ cho việc dạy học thì lại là điều không nên. Nhiều phụ huynh nêu quan điểm, họ sẵn sàng ủng hộ, hợp tác và nhất trí với các khoản đóng góp mà nhà trường đưa ra, miễn sao đó hợp lý, công khai, minh bạch.

Thực tế nếu chỉ trông vào ngân sách thì các nhà trường khó có thể xoay xở để tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nâng cấp, trang trí trường lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi  Việc huy động xã hội hóa là cần thiết; không chỉ tập trung vào phụ huynh học sinh mà có thể mở rộng ra các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn để xã hội hoá thành công và không bị mang tiếng lạm thu, rất cần sự minh bạch, đúng mục đích, rõ ràng trong thu chi của các nhà trường.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...