Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mùa cao điểm về an toàn thực phẩm

Cập nhật: 09:18 ngày 13/11/2017
(BGĐT) - "Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm" là chủ đề hội thảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Y tế vừa tổ chức. Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo rất hữu ích cho việc giảm nguy hại trong mùa bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất trong những năm gần đây là từ cỗ cưới và bếp ăn tập thể. Từ nay đến cuối năm là dịp nhiều cỗ cưới, tân gia và các nhà máy, xí nghiệp tăng ca nên bếp ăn tập thể hoặc ở trường học là những nơi cần hết sức lưu ý về an toàn thực phẩm.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, có lẽ chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn, mất vệ sinh an toàn thực phẩm lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Thực phẩm bẩn đang trở thành quốc nạn đe dọa mạng sống của mỗi người như lời của một vị đại biểu Quốc hội từng cảnh báo:"Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!"

Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến cơ cở, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và sự hưởng ứng của nhân dân, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực, song vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang là nỗi lo thường trực hằng ngày của mỗi gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cây trồng, vật nuôi sống trong môi trường bị ô nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh. Người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không đúng kỹ thuật, nhất là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Sử dụng chất phụ gia không đúng quy định trong quá trình chế biến thực phẩm. Người chế biến thực phẩm bị mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc không thực hiện đúng các quy trình vệ sinh. Không bảo đảm quy trình kỹ thuật, điều kiện trong bảo quản và kinh doanh thực phẩm...

Thực phẩm bẩn, kém chất lượng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là ở những nơi tập trung đông người, tại các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan, đơn vị, tiệc cưới, cỗ bàn đông người.... Người sản xuất, chế  biến, tiêu thụ, kinh doanh thiếu kiến thức hoặc vì lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ những vấn đề nêu trên, kinh nghiệm ở một số địa phương có cách làm hay là công khai địa chỉ những cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở ký cam kết và lập đường dây nóng để người dân phản ánh về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực phẩm bẩn gây nguy hại cho sức khỏe con người nhưng không làm chết người ngay nên người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng còn chủ quan vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền kiểu "mưa dầm thấm lâu", tập huấn kiến thức về an toàn thức phẩm trong các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khi đưa lên bàn ăn.

Lời cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm luôn thường trực và là trách nhiệm không của riêng ai nhưng trước hết lực lượng chức năng cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong công tác này.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...