Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khi yêu thương chưa đủ

Cập nhật: 08:35 ngày 04/12/2017
(BGĐT) - “Khi yêu thương chưa đủ, xin đừng làm nghề giáo” - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi toạ đàm “Bạo hành trẻ em - Vì đâu nên nỗi” do báo Tiền Phong, Trường Đại học Sài Gòn và Hệ thống Giáo dục quốc tế Tesla vừa tổ chức, sau một loạt vụ bạo hành con trẻ liên tiếp diễn ra.

Đau đớn, phẫn nộ là cảm xúc chung của nhiều người khi xem các video clip bảo mẫu hay cô giáo hành hạ trẻ em. Tiêu cực hơn, có người còn bảo, nếu con cháu họ hơn tháng tuổi bị đánh đập, tung lên tung xuống như đồ chơi như vậy (vụ ở Hà Nam), có lẽ họ không đủ bình tĩnh báo công an mà sẽ cho “ra ngô ra khoai”  ngay với người giúp việc, rồi sau muốn thế nào thì thế.

Đã đành làm thế là sai, việc đâu đã có pháp luật, cơ quan chức năng xử lý nhưng thực sự quá sức chịu đựng của cộng đồng khi xem các hình ảnh ấy. Rồi các cô giáo trường mầm non có tên gọi rõ “kêu” - Mầm Xanh (ở TP Hồ Chí Minh) giáng đòn roi, vỏ chai lọ, can nhựa liên tiếp như mưa vào bọn trẻ vô tội khiến ai nấy bàng hoàng, xót xa. Càng thương con trẻ bao nhiêu, càng bức xúc với cách hành xử nhẫn tâm của các cô bảo mẫu bấy nhiêu.

Có một điểm chung khi các vụ việc bạo hành trẻ em bị phát giác, họ đều đổ thừa do áp lực công việc. Người giúp việc ở Hà Nam kia không biết áp lực gì mà chỉ nghe tiếng đứa trẻ sơ sinh khóc đã liên tiếp “ra đòn”, hành hạ đứa bé khi bố mẹ cháu vừa ra khỏi nhà. Còn các cô giáo mầm non ngoài áp lực nghề nghiệp còn ca thán thêm về đồng lương thấp, quá tải về thời gian...

Phát biểu tại buổi toạ đàm, với tư cách là người trong nghề, bà Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tesla khẳng định: “Áp lực công việc không phải là nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành trẻ. Để gắn bó với nghề, các cô giáo cần có cái tâm với trẻ, với nghề. Khi yêu thương chưa đủ thì xin đừng làm nghề giáo”.

Ai cũng biết nghề giáo là một nghề đặc biệt, với giáo viên mầm non còn đặc biệt hơn vì hơn 1/3 thời gian trong ngày, trẻ ở trường và được các cô chăm sóc, nuôi nấng. Nếu không có phương pháp sư phạm tốt, không có tình yêu thương con trẻ, không có sự nhẹ nhàng, điềm đạm và bao dung trong tâm hồn thì khó có thể làm tròn bổn phận, trách nhiệm người mẹ thứ hai của bé. Nếu chỉ coi việc trông trẻ là công việc mưu sinh thì theo nhiều người trong nghề đã chọn sai việc và nên chuyển nghề.

“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”, bài hát mà hầu như đứa trẻ nào cũng thuộc nhưng với những vụ bạo hành kia, những thông tin mà “về nhà hỏi trẻ”, gần như cháu nào khi được hỏi “có sợ cô giáo không” đều trả lời “có” thì cô giáo đã trở thành... ngáo ộp mất rồi. Thật xót lắm thay!

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...